Thực trạng và giải pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc nâng cấp các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; tổ chức công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Đăng ngày 20 - 12 - 2024
100%

Thanh Hoá là một tỉnh thuộc Bắc miền Trung có diện tích tự nhiên 11.156,09 Km2 với 192 Km đường Biên giới Quốc gia, 80Km Quốc lộ 1A chạy dọc theo tỉnh và 102 Km bờ biển. Phía Tây giáp nước bạn Lào; Phía Bắc giáp các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình; Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An. Toàn tỉnh có 27 huyện thị xã, thành phố với 559 xã, phường, thị trấn. Bao gồm 2 thành phố, 2 thị xã, 11 huyện miền núi, 5 huyện đồng bằng ven biển, 7 huyện trung du đồng bằng với 7 dân tộc anh em chung sống với tổng dân số trên 3,7 triệu người. Với những điều kiện thuận lợi về đặc điểm tự nhiên trên, Thanh Hoá được đánh giá là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các thành phần kinh tế xã hội. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của nền kinh tế trong những năm qua tình hình tệ nạn xã hội nói chung đặc biệt tình hình tội phạm ma tuý và nghiện ma tuý vẫn đang có chiều hướng diễn biến gia tăng và phức tạp.

Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố hiện nay toàn tỉnh có 76 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (chiếm 13.6%); 493 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy gồm: 02 xã trọng điểm loại 1 (chiếm 0,4%), 07 xã trọng điểm loại 2 (chiếm 1,25%), 41 xã trọng điểm loại 3 (chiếm 7,3%) và 443 xã, phường, thị trấn không phải trọng điểm về ma túy (chiếm 79,2%).

Tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý tính đến ngày 14/11/2023 là 3.383 người có hồ sơ quan lý. Trong đó: Số chưa thực hiện biện pháp cai nghiện nào hiện đang ở ngoài xã hội 162 người; số đang cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng 558 người; số đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: 1.432 người; số đang trong cơ sở cai nghiện: 1.068 người (gồm: Cai nghiện bắt buộc 1.033 người, số đang cai nghiện tự nguyện 35 người), số người quản lý sau cai nghiện là 535 người.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 02 cơ sở cai nghiện ma túy công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng, nhiệm vụ chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy; chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, gồm: Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (có trụ sở đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống) đang quản lý, chữa bệnh, điều trị cai nghiện may túy cho trên 800 đối tượng và Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Thanh Hóa (có trụ sở đóng trên địa bàn xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa) đang quan lý, chữa bệnh, điều trị cai nghiện ma túy cho gần 300 đối tượng. Với sự bố trí như trên, Thanh Hóa đã dần hình thành hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy tương đối hoàn chỉnh theo khu vực (khu vực đồng bằng, ven biển và khu vực trung du, miền núi).

Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ban, sở ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, chữa bệnh, điều trị và cai nghiện phục hồi chức năng cho các đối tượng nghiện ma túy, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

1. Thực trạng Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa

- Công suất tiếp nhận điều trị, chăm sóc đối tượng theo cơ sở vật chất: Theo các quyết định do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành về đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất các khu B, C, D của Cơ sở qua các thời kỳ từ năm 2003 đến nay, Cơ sở có quy mô, công suất tiếp nhận là 1.000 người nghiện ma túy vào cai nghiện. Tuy nhiên, ngày 04/11/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4371/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để UBND huyện Nông Cống tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh tại xã Hoàng Giang và xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, trong đó thu hồi diện tích đất của Cơ sở là 1.916,5 m2 tại khu C, do đó hiện nay quy mô, công suất tiếp nhận, quản lý của Cơ sở theo cơ sở vật chất đạt 750 người cai nghiện ma túy tại một thời điểm.

- Tính đến thời điểm báo cáo Cơ sở đang quản lý 750 người cai nghiện ma túy, đã vượt mức quản lý an toàn so với số lượng 91 người làm việc hiện có của Cơ sở, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự tại Cơ sở, cũng như trật tự an toàn xã hội các huyện, thị xã, thành phố khu vực xung quanh Cơ sở.

- Cơ sở vật chất của Cơ sở đã được đầu tư từ giai đoạn 2002 - 2004 đến nay đã hư hỏng, xuống cấp. Mặc dù, đã có Quyết định số 4997/QĐ-UBND ngày 08/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa. Tuy nhiên, quy mô đầu tư, giải pháp chủ yếu của Dự án là cải tạo, sửa chữa các khu nhà, xây hội trường đa năng, nâng cấp hệ thống điện, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước, làm mới hệ thống PCCC do đó không làm tăng quy mô, công suất quản lý người cai nghiện tại Cơ sở.

- Trang thiết bị, phương tiện hiện có của Cơ sở còn thiếu so với quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ, vì vậy Cơ sở gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy trình cai nghiện, phục vụ việc bảo vệ, quản lý, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu cho người cai nghiện tại Cơ sở.

2. Thực trạng Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Thanh Hóa

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 có diện tích Diện tích sử dụng vào mục đích chính: 2.771 m2; Diện tích tích sử dụng vào mục đích khác: 2.229 m2; Diện tích đất tăng gia: 101.144 m2.

Theo Quyết định số 3877/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số 2 tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Thanh Hóa), công suất thiết kế 500 đối tượng.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 đã được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn thiếu so với thiết kế ban đầu (cụ thể: 01 nhà thăm gặp cho học viên bao gồm khu vệ sinh; 01 nhà tiếp nhận, quản lý hồ sơ học viên bao gồm khu vệ sinh; 01 nhà Xưởng thực hành bao gồm khu vệ sinh; 03 nhà quản lý học viên công suất cho 120 học viên/01 nhà, bao gồm nhà vệ sinh khép kín; 01 nhà vật lý trị liệu), nhiều hạng mục công trình cũng đã xuống cấp, chưa đồng bồ; các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng như điều trị, phục hồi chức năng cho học viên bị hư hỏng và còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ quản lý, giáo dục, điều trị và phục hồi chức năng và cung cấp các dịch vụ cho học viên. Theo đó, với 01 nhà đối tượng đã được xây dựng theo thiết kế tiếp nhận 120 đối tượng, nhưng hiện đang quản lý 280 đối tượng, các hạng mục còn lại chưa được đầu tư xây dựng.

- Số lượng người làm việc được giao cho Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 còn thiếu nhiều, chưa đảm bảo theo định mức quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, nên cán bộ phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên phải trực 24h/24h, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình cán bộ, viên chức, người lao động tại Cơ sở.

Với điều kiện thực tế đã được đầu tư tại Cơ sở, để có thể nâng công suất tiếp nhận lên 500 đối tượng tại cùng một thời điểm theo chủ trương ban đầu, đồng thời theo đề nghị của Công an tỉnh tại Công văn số 1755/CAT-PV01 ngày 03/8/2022 và Công văn số 2376/CAT-PV01 ngày 29/9/2022 thì việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung trang thiết bị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Thanh Hóa là thực sự cần thiết nhằm thực hiện giải pháp “chặn cung, giảm cầu” trong đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các huyện miền núi nói riêng.

*Giải pháp tại các Cơ sở cai nghiện ma túy

 - Căn cứ thực trạng các cơ sở cai nghiện ma túy hiện có trên địa bàn tỉnh, xuất phát từ yêu cầu thực tế trong đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; để tiếp nhận số người nghiện vào cai nghiện ma túy tại cơ sở đạt mức 1.100 người cai nghiện bắt buộc như Công an tỉnh đã đề cập tại Công văn số 2376/CAT-PV01, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung trang thiết bị tại các Cơ sở Cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ngân sách Trung ương để nâng quy mô công suất tiếp nhận, quản lý đối với cơ sở cai nghiện ma túy số 1 từ mức 750 người cai nghiện ma túy lên mức từ 1.100 đến 1.400 người cai nghiện ma túy (1.100 người cai nghiện bắt buộc, 300 người cai nghiện tự nguyện) tại một thời điểm; với việc bảo đảm các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất để quản lý tăng thêm từ 350 đến 650 người cai nghiện theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Kính đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng mới một số hạng mục công trình còn thiếu theo phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số 2 (tại Quyết định số 3877/QĐ-UBND ngày 28/10/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) như: Nhà thăm gặp; nhà tiếp dân - tiếp nhận đối tượng; Nhà ở đối tượng số 1, số 3 và số 4; Nhà xưởng thực hành; nhà vật lý trị liệu; nhà quản lý học viên gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở….

3. Tổ chức công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng, đội ngũ các bộ làm công tác cai nghiện đóng vai trò rất trọng. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác này còn hạn chế cả số lượng và chất lượng chuyên môn. Đội ngũ cán bộ tham gia quản lý người nghiện ở cộng đồng chủ yếu là các cán bộ kiêm nhiệm từ các tổ chức đoàn thể và hầu hết đều chưa được đào tạo về kỹ năng quản lý, kiến thức về tác hại của ma túy. Mặc dù tại các xã, phường, thị trấn đều có ban chỉ đạo phòng chống ma túy nhưng thành viên ban chỉ đạo vẫn chỉ là kiêm nhiệm, một số thành viên lại không được đào tạo kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về quản lý đối tượng đặc thù.

Trong quá trình cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện có khả năng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu. Nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và chính quyền địa phương thì rất khó cai nghiện thành công, người nghiện ma túy vẫn ở trong cộng đồng nên dễ dàng tiếp cận với nguồn cung ứng ma túy điều đó dẫn đến người nghiện rất khó từ bỏ ma túy. Mặt khác, cai nghiện ma túy cần phải có nghị lực rất lớn với thời gian rất dài để có thể từ bỏ. Do đó, nếu chỉ đơn thuần dựa vào sự chăm sóc, động viên ở tại gia đình và cộng đồng thì người bệnh khó có thể từ bỏ được ma túy. Một yếu tố nữa là do đặc điểm tâm lý của gia đình người nghiện cũng như người nghiện là mặc cảm và ngại bị phân biệt, đối xử của cộng đồng nên không muốn mọi người xung quanh biết bản thân mình bị nghiện ma túy hoặc là con em, người thân của mình nghiện ma túy nên thường không khai bệnh. Người nghiện thì luôn lẩn tránh, không muốn cai nghiện nên dẫn đến việc kém hiệu quả trong các tác triển khai thực hiện

Việc phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể tại địa phương trong quá trình thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa khoa học, chưa thường xuyên. Nhiều địa phương chưa phân công cụ thể tổ chức, cán bộ làm nhiệm vụ chuyên trách về cai nghiện ma túy tại cộng đồng, chưa bố trí nguồn kinh phí cho công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Vì vậy, công tác thống kê, quản lý người nghiện giữa các ngành và địa phương chưa được thống nhất dẫn đến việc quản lý theo dõi người nghiện bị hạn chế. Thông tin trao đổi giữa các ngành liên quan chưa kịp thời, chất lượng dịch vụ cai nghiện còn mang tính phong trào, hình thức, chưa quan tâm đúng mức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý, xã hội cũng như chăm sóc sức khỏe cho người nghiện.

*Về giải pháp tổ chức công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyên, thị xã, thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

 Xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy là phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và của cả cộng đồng xã hội vào công tác cai nghiện ma túy. Công tác này đòi hỏi phải có sự tham gia của các chủ thể quản lý nhà nước, bao gồm từ các cấp ủy Đảng cho đến các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân như Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân…

Hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cai nghiện ma túy tại cộng đồng phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác và sự quyết tâm của người nghiện. Do đó, cần phải hướng đến mục đích tổ chức thực hiện đối với đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện, gia đình có điều kiện quản lý và áp dụng các biện pháp phòng chống tái nghiện, vì nếu không có ai giám sát được người nghiện suốt ngày thì nguy cơ tái sử dụng chất ma túy là rất cao. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi chất ma túy rất phong phú và đa dạng, nhiều loại khác nhau, được bán ở nhiều nơi, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người có thể tiếp xúc và sử dụng ma túy. Vì vậy, điều quan trọng là phải huy động được tính tích cực của cộng đồng tham gia, giáo dục quản lý, tạo điều kiện, động viên người nghiện tự giác cai nghiện. Công tác tổ chức cai nghiện tại cộng đồng gắn liền với việc khắc phục tình trạng phân biệt đối xử với người nghiện trong cộng đồng, các cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết việc làm, tạo ra các nơi vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thu hút những người nghiện để họ xa lánh dần, từ đó dứt bỏ hẳn thèm muốn sử dụng lại chất ma túy.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng, quản lý, tư vấn cho đội ngũ cán bộ công chức, cộng tác viên làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn để phù hợp cho đội ngũ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện.

Vận động người nghiện ma túy tham gia các hoạt động của cộng đồng, và tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu rõ về nghiện ma tuý là một căn bệnh mãn tính về não bộ nhưng có thể phòng ngừa và điều trị được; từ đó không kỳ thị, phân biệt đối xử, tích cực tham gia giúp đỡ người cai nghiện bằng nhiều biện pháp, hình thức tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi người trong cộng đồng. Tổ chức các hoạt động của cộng đồng và vận động người cai nghiện tham gia như các hoạt động vui chơi, văn hoá, thể thao, giải trí lành mạnh, các câu lạc bộ của các đoàn thể, câu lạc bộ đồng đẳng

Việc đầu tư nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách phải làm là huy động các nguồn lực từ xã hội, từ nhân dân để cùng chung sức đẩy lùi tệ nạn ma túy; hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ; cung cấp dịch vụ tư vấn, khám và điều trị toàn diện cho người nghiện ma túy với các phương pháp điều trị thích hợp cho từng người.

Chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn cần chủ động giúp đỡ người sau cai nghiện trong việc tạo công ăn việc làm, hỗ trợ kinh nghiệm và vốn để phát triển kinh tế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái sử dụng ma túy.

4. Việc quan tâm tạo việc làm ổn định cuộc sống cho nhóm các đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật trên địa bàn như đối tượng tù tha hóa tái hòa nhập cộng đồng, đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư, người nghiện, sau cai nghiện ma túy.

Thời gian qua, việc giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù có việc làm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, có được việc làm ổn định sau khi chấp hành xong án phạt tù, đặc biệt là sau cai nghiện lại là vấn đề quá khó khăn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp vẫn coi họ là những đối tượng có “lý lịch đen” nên không tiếp nhận. Bị xã hội, thậm chí là người thân kỳ thị, xa lánh, người sau cai nghiện rất mặc cảm. Không có việc làm, người chấp hành xong án phạt tù và người sau cai nghiện ma túy rất dễ quay lại con đường cũ.

* Về giải pháp:

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, cần có chính sách quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp sử dụng người lao động đã chấp hành xong án phạt tù và người sau cai nghiện ma túy.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho đối tượng tù tha hóa tái hòa nhập cộng đồng, đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư, người nghiện, sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ học nghề trong các chương trình dạy nghề và một số dự án khác về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đối với công tác dạy nghề tại các cơ sở Cai nghiện, trại giam, các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất phục vụ dạy nghề, vốn hỗ trợ từ Chương trình quốc gia về dạy nghề và giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất tạo việc làm cho người mãn hạn tù, người nghiện ma túy sau cai nghiện giúp họ yên tâm, vui vẻ và tự tin hòa nhập cộng đồng./. 

<

Tin mới nhất

Thực trạng và giải pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc nâng cấp các cơ sở cai nghiện ma túy công...(20/12/2024 2:07 CH)

Triển khai Đề án “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy” trên địa bàn tỉnh...(15/10/2024 1:50 CH)

Hoạt động chào mừng 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 -...(04/09/2024 2:51 CH)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý (03/07/2023 7:41 SA)

Nhiều điểm mới trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021(19/05/2021 5:25 CH)

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống ma túy(23/04/2021 2:47 CH)

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo và tổ chức tốt cai nghiện ma túy(13/04/2021 7:36 SA)

Tập huấn nghiệp vụ cho đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm(20/09/2020 9:56 SA)

Thanh Hóa: Nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho sinh viên(24/06/2020 1:37 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
306 người đã bình chọn
°
1820 người đang online