100%

CÁC THỜI KỲ PHÁT TRIỂN

NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH THANH HÓA

I. Lịch sử hình thành

- Ngày 28/08/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo “về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” trong 13 Bộ đầu tiên của nước ta, đã có Bộ phụ trách công tác Lao động và Cứu tế xã hội (tiền thân của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày nay).

- Ngày 30/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số: 613/SL thành lập Bộ Thương binh và Cựu binh. Theo đó, ở địa phương Ty Lao động tỉnh Thanh Hoá được thành lập theo Nghị định số 565 NĐ/E ngày 25/9/1947 của Uỷ ban Hành chánh Trung bộ trên cơ sở tách Ty Lao động Thanh - Nghệ thành Ty Lao động tỉnh Thanh Hoá.

- Tháng 10 năm 1949, Ty Thương binh và Cựu binh tỉnh Thanh hoá thành lập trên cơ sở tách Ty Thương binh và Cựu binh Thanh - Nghệ đến năm 1956 đổi tên thành Ty Thương binh tỉnh Thanh Hoá.

- Tháng 12/1960, Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 3809 QĐ/TCCB giải thể Ty Thương binh và cựu binh tỉnh Thanh Hoá và sát nhập vào Phòng Dân chính thuộc Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hóa và lấy tên là Phòng Dân chính và Thương binh.

- Tháng 10/1967, Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hoá thành lập Phòng Thương binh trực thuộc Ban Tổ chức - Dân chính. Tháng 7/1968, Ban Tổ chức - Dân chính tách thành 2 Ban là Ban Tổ chức và Ban Thương binh xã hội. Lúc này, Ban Thương binh xã hội có con dấu, tài khoản riêng và hoạt động độc lập.

- Ngày 03/4/1972, Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 201/TC-UBTH thành lập Ty Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá.

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI về đổi mới cơ chế quản lý tinh giảm tổ chức và nâng cao hiệu quả của Bộ máy Nhà nước, tháng 2/1987 Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định hợp nhất: Bộ Lao động; Bộ Thương binh và Xã hội thành lập Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đó, ngày 12/8/1988, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 956 QĐ/UBTH hợp nhất Sở Lao động và Sở Thương binh và Xã hội thành Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh  Hoá.

- Ngày 14/4/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 14/4/2008 về việc giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em và chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em và chuyển nguyên trạng biên chế cán bộ, công chức, công chức dự bị, viên chức làm công tác trẻ em và Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh, trực thuộc Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em về Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa. 

II. Các giai đoạn phát triển

1. Giai đoạn 1969-1975

Giai đoạn 1969-1975 là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ quyết định cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hằng năm đã có khoảng 20.000 thanh niên của tỉnh Thanh Hóa lên đường nhập ngũ và trên 41.000 thanh niên xung phong tham gia phục vụ hoả tuyến. Tỉnh đã huy động gần 7,5 triệu lượt người với trên 223,7 triệu ngày công phục vụ chiến đấu ở các chiến trường A, B, C. Ngành LĐTBXH đã tuyển được 184.800 lao động cho các đơn vị sản xuất quốc doanh; tuyển 92.320 học sinh, sinh viên cho các trường dạy nghề (trong đó đào tạo ngoài nước là gần 2.100 người); tuyển 3.659 lao động đưa đi hợp tác lao động quốc tế; điều động 33.200 lao động, cùng với 73.070 nhân khẩu đi xây dựng các vùng kinh tế mới trong và ngoài tỉnh; huy động trên 94,5 triệu ngày công lao động nghĩa vụ, lao động công ích để xây dựng các công trình kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong giai đoạn này, tình hình chiến tranh ở chiến trường Miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân ở Miền Bắc ngày càng khốc liệt. Nhiệm vụ của ngành là phải tổ chức thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội và tiếp nhận thương binh ở chiến trường chuyển về. Tỉnh đã phát động phong trào đỡ đầu chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân tại ngũ, trong đó: Đã giao chỉ tiêu cho các cơ quan nhận thương binh vào làm việc; thành lập 15 cơ sở nuôi dưỡng thương binh, cơ sở sản xuất cho thương binh để phục hồi chức năng lao động, bồi dưỡng văn hoá và sắp xếp việc làm; tiếp nhận 11.960 học sinh ở vùng chiến sự ác liệt Bình - Trị - Thiên ra học tập. Từ cuối năm 1970, số lượng thương binh ở chiến trường Miền Nam chuyển ra ngày càng nhiều, số lượng thương binh tại các Trại Thương binh trên địa bàn tỉnh thường xuyên có từ 1.500-1.600 người; số quân nhân hy sinh chuyển về để báo tử và bàn giao di vật ngày càng tăng. Trước tình hình đó, ngày 03/4/1972, Ty Thương binh và Xã hội Thanh Hoá được thành lập (theo Quyết định số 201/TC-UBTH của Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hoá) nhằm kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức của ngành Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá đến cơ sở xã, phường, thị trấn, góp phần triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách cho đối tượng thuộc chức năng quản lý của ngành.

2. Giai đoạn 1975-1986

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, việc giải quyết chính sách cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đa dạng và phức tạp. Khối lượng công việc rất lớn nhưng ngành Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết chế độ chính sách kịp thời cho: 30.658 liệt sĩ, 45.138 thân nhân liệt sĩ, 13.308 thương binh, 1.994 trẻ mồ côi, 3.592 người già cả cô đơn, 1.167 hộ gia đình đồng bào Miền Nam ở lại tỉnh. Bên cạnh đó, ngành đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý lao động xã hội, giải quyết việc làm cho gần 124.000 lao động, tuyển 105.000 học sinh, sinh viên cho các trường dạy nghề; tuyển 4.680 lao động đưa đi hợp tác lao động quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

3. Giai đoạn 1986-1995

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn này là tập trung giải quyết việc làm, giải quyết chính sách Thương binh - Xã hội, từng bước nâng cao đời sống của đối tượng chính sách và Nhân dân trong tỉnh. Trong công tác thương binh, liệt sĩ: Ngành đã đẩy mạnh việc thực hiện giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh với gần 9.000 thương binh được giám định lại thương tật, điều chỉnh chế độ cho 95.000 đối tượng người có công với cách mạng. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó: Đã xây dựng mới 831 nhà, sửa chữa 1.531 nhà tình nghĩa, tặng 4.458 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 09 tỷ đồng, phụng dưỡng 709 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 200 nhà bia ghi tên liệt sĩ; quy tập, cất bốc 2.000 mộ liệt sĩ; nâng cấp, sửa chữa 23 nghĩa trang liệt sĩ. Về thực hiện chính sách lao động, việc làm: Ngành đã tập trung triển khai các giải pháp tạo việc làm mới cho trên 135.000 lao động (trong đó: Đưa đi làm việc ở nước ngoài là 37.756 lao động), tuyển sinh đào tạo nghề cho 110.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 12,18% đầu năm 1995. Về thực hiện chính sách xã hội: Ngành đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ cho 312.551 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, giúp cho gần 100.000 hộ thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Đồng thời, tích cực phối hợp kiểm tra nắm chắc tình hình đời sống của Nhân dân ở những vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, bão lụt để tham mưu cho UBND tỉnh cứu trợ kịp thời, góp phần ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4. Giai đoạn 1995 đến nay

Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về LĐTBXH tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Trên lĩnh vực lao động: Các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, phát triển nguồn nhân lực, cải cách chính sách tiền lương, đổi mới chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, thanh tra lao động v.v… đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Trên lĩnh vực người có công: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã kế thừa và phát triển các chính sách ưu đãi thương binh, liệt sĩ trong thời kỳ trước, trở thành một cơ sở pháp lý tương đối hoàn chỉnh để thực hiện chính sách ưu đãi người có công, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Trên lĩnh vực xã hội: Các văn bản pháp luật được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về người khuyết tật, người cao tuổi, xóa đói giảm nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cứu trợ xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội v.v... Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện công bằng xã hội, làm lành mạnh môi trường xã hội. Đồng thời, kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc ta. Kết quả thực hiện cụ thể trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay như sau:

a) Giai đoạn 1995-2005

- Về lĩnh vực lao động: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và lần thứ XV, cùng với việc Bộ luật Lao động được ban hành và đi vào cuộc sống đã tạo hành lang pháp lý để người lao động tìm kiếm các cơ hội việc làm. Ngành LĐTBXH đã tích cực phối hợp hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, khôi phục các làng nghề truyền thống và tạo nghề mới. Trong giai đoạn 1995-2005, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 350.000 lao động (trong đó: Đưa đi làm việc ở nước ngoài là 53.125 lao động), góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 5,27%. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng được các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 189.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 12,18% năm 1994 tăng lên 25% năm 2005, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo ra sự phân bổ lao động xã hội mới trên địa bàn tỉnh.

- Về lĩnh vực người có công: Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngành LĐTBXH tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với các cấp, ngành có liên quan xét duyệt, xác nhận và thực hiện chế độ chính sách mới cho các đối tượng đúng, đủ, kịp thời. Đến năm 2005, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức quản lý và chi trả trợ cấp hằng tháng cho gần 80.000 đối tượng người có công, kinh phí thực hiện bình quân là trên 30 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, còn giải quyết trợ cấp một lần cho gần 100.000 đối tượng là: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học v.v... Toàn tỉnh đã quy tập và cất bốc được 800 mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng và các nghĩa trang trong tỉnh. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào rộng khắp, không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và trở thành hoạt động thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã vận động được trên 27,8 tỷ đồng tiền Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, góp phần cùng Nhà nước giải quyết hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 4.857 nhà ở và tặng 16.600 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho đối tượng chính sách, với số tiền trên 2,1 tỷ đồng.

- Về lĩnh vực xã hội: Xác định công tác XĐGN là vấn đề cốt lõi để nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách và Nhân dân trong tỉnh, với chức năng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo XĐGN, ngành LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện công tác XĐGN, xây dựng chương trình với mục tiêu cụ thể cho từng địa phương. Huy động đa dạng các nguồn lực, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Số hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất không ngừng tăng lên, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn này đã giảm được từ 1,7-2%/năm. Đến cuối năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 11,91% (theo chuẩn cũ). Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác trợ giúp thường xuyên cho gần 27.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng cho trên 5.000 lượt đối tượng người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tâm thần mãn tính. Đồng thời, thường xuyên phối hợp kiểm tra, nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân vào mùa mưa bão, thời kỳ thiếu lương thực để tham mưu phương án cứu trợ kịp thời, góp phần đảm bảo đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngành cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo vệ trẻ em; xây dựng phương án, dự án hỗ trợ kịp thời cho các lớp học tình thương, học nghề nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm phối hợp triển khai thực hiện. Sở đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động và thanh tra, kiểm tra, đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm có dấu hiệu hoạt động mại dâm; giáo dục, chữa trị, cai nghiện và tái hoà nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện ma tuý, gái mại dâm. Giai đoạn 1995-2005, ngành LĐTBXH đã tổ chức chữa trị, cai nghiện cho 2.373 người nghiện ma tuý, giáo dục phục hồi hành vi, nhân phẩm cho 501 đối tượng là gái mại dâm; xử lý, triệt phá hàng ngàn cơ sở kinh doanh, dịch vụ vi phạm quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội. Đến năm 2005, toàn tỉnh xây dựng được 480 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội (tăng 87 đơn vị so với năm 2000).

b) Giai đoạn 2006 đến nay

Mục tiêu tổng quát của ngành trong giai đoạn này là tạo bước phát triển mới trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; tập trung giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, giải quyết chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh, giảm nghèo bền vững và phòng, chống tệ nạn xã hội. Đây cũng là giai đoạn tỉnh Thanh Hoá đang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh tiên tiến. Giai đoạn này, lĩnh vực quản lý của ngành được mở rộng (lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ). Kết quả cụ thể trong giai đoạn này như sau:

- Về lĩnh vực lao động: Giai đoạn 2006-2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 753.463 lao động, trong đó: Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 120.167 lao động. Thị trường lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại Sàn giao dịch việc làm được nâng cao. Hằng năm, đã tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và hàng nghìn lao động được tuyển dụng. Ngành cũng tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động quan tâm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động; phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật, không để bức xúc kéo dài, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh. Mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và quy mô hoạt động. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 89 cơ sở đào tạo nghề nghiệp, gồm: 11 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp, 27 trung tâm, 31 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt được nhiều kết quả tích cực, với 768.543 người được đào tạo; quy mô đào tạo nghề tăng với tốc độ trung bình khoảng 6,2%/năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28,5% năm 2006 lên 64,2% năm 2018.

- Lĩnh vực Người có công: Ngành đã tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Tổng kinh phí chi trả trợ cấp thường xuyên là gần 20.000 tỷ đồng và trợ cấp một lần là gần 300 tỷ đồng. Công tác thăm hỏi, tặng quà người có công nhân dịp lễ, tết được thực hiện chu đáo, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến của người có công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, đã có trên 200.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, kinh phí thực hiện là trên 85 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện tốt việc quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền quỹ hiện có là gần 17,8 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng, cấp sổ tiết kiệm tình nghĩa và nâng cấp các nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2018, đã có 98,8% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt các chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công. Nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, đài tưởng niệm được quan tâm đầu tư sửa chữa, tu bổ, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.

- Lĩnh vực xã hội: Chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ và đem lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn) giảm bình quân từ 2,64-3,96%/năm. Ngành cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 203.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí gần 84 tỷ đồng/tháng. Kịp thời hỗ trợ trên 35.000 tấn gạo cứu trợ cho người dân tại các địa phương khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ và thời kỳ thiếu lương thực. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 890.976 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm tỷ lệ 4,8% (giảm 11,6% so với năm 2010); tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau đạt 89,1%; 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau. Toàn tỉnh có 569/635 xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ 89,6%. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình được đảm bảo. Các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, ngành đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở; đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 181/635 xã, phường, thị trấn được công nhận lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Với những thành tích đã đạt được, ngành LĐTBXH tỉnh Thanh Hoá vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, gồm: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1976, 1985); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1984, 1992); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2002); Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2007); Huân chương Độc Lập hạng Nhất (năm 2012). Bên cạnh đó, ngành còn vinh dự được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương tự do năm 1985.

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
301 người đã bình chọn
°
1131 người đang online