Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia

Đăng ngày 16 - 09 - 2024
100%

(Molisa.gov.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã nhấn mạnh quan điểm trên trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới-phát triển theo chiều sâu, diễn ra sáng ngày 31/08 tại Đà Nẵng.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới các Bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị.

Chuyển đổi số mạnh mẽ trong khu vực công và khu vực tư

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam đang rà soát lại việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; những việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn, những mục tiêu có khả năng đạt được thì cần tăng tốc, những gì chưa đạt được thì phải có giải pháp đột phá.

“Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng chính phủ số, đạt hiệu quả nổi trội nên việc tổ chức Hội nghị tại đây nhằm hoan nghênh, động viên và học tập Đà Nẵng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhận định, trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất.

Thời gian qua, cả nước đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người".

Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, còn có những tồn tại, hạn chế liên quan tới tư duy, nhận thức, hành động về chuyển đổi số, có nơi, có lúc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số chưa đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, (mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình)…

Đồng thời, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải đối mặt, giải quyết những thách thức rất lớn như phải đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình vận động, phát triển rất nhanh của các hoạt động kinh tế, xã hội; cần số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó phải huy động nguồn lực xã hội, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp bằng tư duy, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới…

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến, những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; nhìn nhận thẳng thắn những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Mục tiêu chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 02 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay.

Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Để bước vào giai đoạn 3-phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.

Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.

Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.

Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và đại diện các đơn vị liên quan tham dự trực tuyến từ điểm cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan nhà nước: (1) Tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; (2) Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; (3) Phát triển nhân lực số; (4) Các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Khung bao gồm các nội dung chính: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.

Tính đến hiện tại, Cổng dịch vụ công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang cung cấp 57 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, các hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin được thu thập một lần. Hiện đã có 18 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia thuộc các lĩnh vực: lao động - việc làm, bảo trợ xã hội. Thông qua Cổng Dịch vụ công, trên 11,9 nghìn doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký sử dụng tài khoản, đồng bộ hơn 275,7 nghìn hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Bên cạnh đó, đối với dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, sau khi Bộ triển khai hướng dẫn đào tạo tập huấn, các tỉnh/thành phố đã và đang tiến hành triển khai dịch vụ công trực tuyến với gần 228 nghìn hồ sơ đồng bộ thành công từ phần mềm Dịch vụ công của tỉnh/ hệ thống một cửa điện tử sang phần mềm Dịch vụ công Bảo trợ xã hội. Đến nay, kết quả thực hiện liên thông khai tử - hỗ trợ chi phí mai táng trên toàn quốc có hơn 64,5 nghìn hồ sơ, trong đó đã hoàn thành xử lý là gần 35 nghìn hồ sơ; liên thông và đã tiếp nhận trên 17 nghìn hồ sơ Dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực người có công, đề nghị giải quyết trợ cấp mai táng từ Dịch vụ công liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ mai táng phí trên toàn quốc (trong đó, đã chấp nhận và trả kết quả gần 5,5 nghìn hồ sơ, đang xử lý hơn 400 hồ sơ, chờ tiếp nhận gần 2,3 nghìn hồ sơ.

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn tất việc bổ sung CCCD/mã định danh cá nhân cho gần 18 triệu cơ sở dữ liệu (CSDL) về trẻ em, thực hiện xong việc làm giàu khoảng hơn 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với CSDL Quốc gia về dân cư; CSDL về trợ giúp xã hội đã có trên 3,81 triệu đối tượng, gần 3,458 triệu đối tượng đang hưởng đã được cấp định danh cá nhân/CCCD và gần 2.95 triệu đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng đã được xác thực thành công qua CSDL Quốc gia về dân cư; đã xác minh, bổ sung CCCD/ mã định danh cho hơn 5,5/7,5 triệu người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương ứng 1,9 triệu hộ.

Đối với công tác triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến giữa tháng 08/2024, trên cả nước đã 63/63 tỉnh/thành phố thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội: tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là gần 2,7 triệu người, tăng hơn 83 nghìn người so với tháng 7/2024; tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là trên 2,3 triệu người, tăng gần 150 nghìn người so với tháng 7/2024; tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 01/2023 đến 16/8/2024 là trên 13.780 tỷ đồng.

 

ncsc.png

<

Tin mới nhất

Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số...(08/10/2024 7:07 SA)

Người lãnh đạo thời chuyển đổi số phải nhạy cảm với xu thế mới(05/10/2024 11:13 SA)

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 09 tháng đầu năm 2024 của Sở Lao...(03/10/2024 10:27 SA)

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024(03/10/2024 9:35 SA)

Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số...(03/10/2024 9:30 SA)

Sở LĐTBXH tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và hướng dẫn Phần mềm...(02/10/2024 7:34 SA)

Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài cuối): Đối diện để hòa nhập...(16/09/2024 8:27 SA)

Cảnh báo về trang fanpage giả mạo Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam(16/09/2024 8:21 SA)

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều...(16/09/2024 7:49 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
305 người đã bình chọn
°
2303 người đang online