Một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 09 tháng đầu năm 2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Đăng ngày 03 - 10 - 2024
100%

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, trong thời gian qua, Sở LĐTBXH đã tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết, chỉ đạo và điều hành công việc như: (1) 100% dữ liệu người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em, giảm nghèo đã được rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (2) Trang bị các thiết bị CNTT cho công chức, viên chức làm việc; tích cực chỉ đạo, điều hành, xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; (3) Hoàn thành việc xác định, phân loại, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ của 100% hệ thống thông tin của Cơ quan Sở và 11 đơn vị trực thuộc Sở và triển khai các phương án theo hồ sơ cấp độ đã được phê duyệt; (4) Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng các mô hình về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ… từng bước thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức từ hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng; giảm thời gian và chi phí cho tổ chức và người dân, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và an toàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại Sở và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nổi bật:

Khuôn viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa

1. Nhận thức số

- Sở LĐTBXH thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành LĐTBXH về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; nội dung Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nội dung liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

- Công tác thông tin, tuyên truyền thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn đuợc quan tâm thực hiện, đổi mới nội dung trên Trang thông tin điện tử Sở LĐTBXH. Trong 09 tháng đầu năm, trên Trang thông tin điện tử Sở LĐTBXH đã đăng tải gần 200 bài, tin và các hình ảnh tuyên truyền các sự kiện nổi bật của tỉnh, của ngành, của Sở và các đơn vị trực thuộc, thu hút được 1.014.148 lượt người theo dõi. Đã tạo lập chuyên mục Chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử Sở LĐTBXH (https://sldtbxh.thanhhoa.gov.vn), đăng 30 tin, bài viết thông tin về chuyển đổi số của tỉnh, của ngành; đồng thời có bài viết về nội dung “Chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội” được đăng Bản tin Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa số 81([1]).

Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép xây dựng các Trang thông tin điện tử chuyên đề, là trang thành phần thuộc Cổng thông tin điện tử của tỉnh cho 03 các đơn vị trực thuộc Sở (gồm: Quỹ Bảo trợ trẻ em, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm) để thực hiện công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em; hỗ trợ, tư vấn trợ giúp xã hội đối với người yếu thế, quản lý trường hợp; tư vấn, tuyên truyền về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động và doanh nghiệp …

- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh văn bản([2]) chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt; đồng thời thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố triển khai đối sánh, làm sạch, đồng bộ dữ liệu các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (trẻ em, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người có công…) trên địa bàn tỉnh để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư([3]).

        - Công tác tuyên truyền thực hiện chuyển đổi số được các phòng nghiệp vụ đơn vị trực thuộc Sở thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên mạng xã hội Zalo, Face book, Fanpage, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Dân trí … để phát sóng, đưa tin; in các tờ gấp, tờ rơi để phát cho người dân. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về huớng dẫn, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực giải quyết của ngành; hướng dẫn, thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt; tuyên truyền triển khai mô hình “3 Không” ; mô hình “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính; mô hình “Chợ không dùng tiền mặt”, “Thôn thông minh”; mô hình đưa sản phẩm nông sản lên sàn gắn truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt; mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID”...

Hướng dẫn người lao động đăng ký giải quyết TTHC “thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” trên cổng dịch vụ công Quốc gia

- Chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2024”([4]). Theo tổng hợp, báo cáo của các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở, đợt 1 đã có hơn 700 cán bộ tham gia dự thi (đạt 100%).

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức triển khai quán triệt, vận động cán bộ, viên chức, người lao động tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2024

2. Thể chế số

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, Sở LĐTBXH đã ban hành 105 văn bản, gồm: 27 Báo cáo, 02 Quyết định, 04 Kế hoạch, 01 Tờ trình và 71 văn bản chỉ đạo khác liên quan đến chuyển đổi số của Sở LĐTBXH

3. Hạ tầng số

Sở LĐTBXH đã trang bị các thiết bị CNTT, đường truyền số liệu chuyên dùng và đường truyền Internet cáp quang, đảm bảo 100% công chức, viên chức Cơ quan Sở được trang bị máy để bàn hoặc máy tính laptop và được kết nối mạng LAN, mạng Internet (trừ máy tính lưu trữ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước),

4. Dữ liệu số

- Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã được kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị như: hoàn thành kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thanh Hóa với CSDL quốc gia về dân cư và hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội.

- Dữ liệu trẻ em: Đã chuẩn hóa, làm sạch và cập nhật thông tin dữ liệu trẻ em (tại địa chỉ http://nhaplieu.treem.gov.vn) 947.613/953.626 (đạt tỷ lệ 99,36% trên tổng số trẻ em).

- Dữ liệu bảo trợ xã hội: Đã chuẩn hóa, làm sạch và cập nhật thông tin trên phần mềm hệ thống thông tin, dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội là 187.893/187.893 đối tượng (đạt tỷ lệ 100% tổng số đối tượng bảo trợ xã hội trên toàn tỉnh).

- Dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo: Chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp công an cùng cấp hoàn thành việc đối soát sửa đổi, bổ sung dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trên 35.320  hộ nghèo và trên 55.797 hộ cận nghèo) theo hướng dẫn, chỉ đạo của Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐTBXH.

- Dữ liệu người có công: Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đến nay, đã thực hiện rà soát, làm sạch 63.005/64.316 người đạt tỉ lệ 97,96%, số còn lại 1.311 người đang thực hiện rà soát.

Tiếp tục số hóa đối với các thành phần hồ sơ người có công mới phát sinh. Đến nay, đã có trên 330.000 hồ sơ người có công (đạt 100%) được số hóa phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công được thuận tiện, dễ dàng so với trích lục hồ sơ giấy.

Phối hợp với Công an tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai khảo sát thông tin mộ liệt sĩ và thu thập ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp trong việc khảo sát, thu thập thông tin của liệt sĩ và thân nhân; cập nhật trên phần mềm hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy trình hướng dẫn; cấp căn cước cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ còn sống trên địa bàn để xác thực, phục vụ thu mẫu ADN nhằm tạo lập kho dữ liệu chuẩn bị tốt nhất cho việc so sánh, đối khớp xác định danh tính liệt sĩ khi có mẫu hài cốt liệt sĩ thu thập được.

- Phối hợp với Sở Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở nhập, làm sạch dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở, đến nay 100% dữ liệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở đã được làm sạch và nhập trên phần mềm cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tiến độ và thời gian theo quy định.

5. Nhân lực số

- Thực hiện thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở LĐTBXH([5]), gồm 16 người, do Giám đốc Sở làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Giám đốc Sở làm các Phó Trưởng ban và thành viên là Trưởng các phòng nghiệp vụ Sở, một số Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở.

- Thực hiện thành lập, kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở LĐTBXH([6]), gồm 20 người, do Chánh Văn phòng Sở làm Tổ trưởng, các thành viên đại diện các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở và Tổ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Sở LĐTBXH, gồm 20 người, do Chánh Văn phòng làm Tổ trưởng; để tham mưu giúp Giám đốc Sở, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện quản lý, vận hành, sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của Sở; đảm bảo kỹ thuật, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành LĐTBXH; thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số của ngành, đơn vị.

- 100% các đơn vị trực thuộc Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; Tổ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tại đơn vị. Sở đã bố chí 01 công chức chuyên trách về CNTT tại Sở; một số đơn vị đã ưu tiên tuyển dụng, bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT như: Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trường TCN Miền núi, Trường TCN Thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 và các đơn vị còn lại là phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm về chuyển đổi số.

- Tổ chức 03 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng Hệ thống phần mềm đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và Cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) và Phần mềm dịch vụ công của tỉnh cho 200 cán bộ phụ trách lĩnh vực BTXH cấp huyện và đội ngũ cán bộ cộng tác viên làm công tác BTXH cấp xã; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng năm 2024 cho khoảng 320 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở; 80 cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành khóa học và kiểm tra khóa học trực tuyến về chuyển đổi số, do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức.

Tập huấn hướng dẫn ử dụng Hệ thống phần mềm đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và Cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) và Phần mềm dịch vụ công của tỉnh

- Cử thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; Tổ ứng cứu sự cố tham gia các lớp tập huấn, diễn tập ứng cứu sự cố, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số do Tỉnh và Trung ương tổ chức.

  1. An toàn, an ninh mạng

- Thường xuyên rà soát, cập nhật các bản vá lỗi bảo mật trên các máy tính, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn khi truy cập mạng nội bộ, Internet; phối hợp với Trung tâm An ninh mạng tỉnh, Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh theo dõi, ứng cứu, xử lý sự cố, đặc biệt phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các cuộc tấn công mạng (nếu có); tăng cường giám sát, thu thập thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hệ thống CSDL.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phòng, đơn vị thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; định kỳ thay đổi mật khẩu các tài khoản trên các phần mềm chuyên ngành, phần mềm dùng chung của tỉnh, tránh tình trạng lộ, lọt thông tin và mất dữ liệu; xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ mất an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị.

- Cơ quan Sở (bao gồm Quỹ Bảo trợ trẻ em, do đơn vị không hình thành bộ máy bên trong và có trụ sở đóng Cơ quan Sở) và 11 đơn vị được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin mạng nội bộ, cấp độ 1 (tỷ lệ đạt 100%). Cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc Sở đã triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo cấp độ của hệ thống thông tin cơ quan đã được phê duyệt, cụ thể:

+ Ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Cơ quan Sở LĐTBXH (tại Quyết định số 6925/QĐ-SLĐTBXH ngày 12/7/2023 của Giám đốc Sở LĐTBXH); Phương án bảo đảm, ứng phó, khắc phục sự cố an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin của Sở LĐTBXH (tại Quyết định số 6014/QĐ-SLĐTBXH ngày 05/7/2022 của Giám đốc Sở LĐTBXH).

+ Thành lập Tổ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Sở LĐTBXH (tại Quyết định số 2198/QĐ-SLĐTBXH ngày 13/10/2021 của Giám đốc Sở LĐTBXH).

+ Lắp đặt hệ thống giám sát phòng chống xâm nhập, lây nhiễm mã độc; cài đặt phần mềm diệt virus BkaVEnpoint cho 85 máy chạm (đạt 100%); cài đặt phần mềm quản lý, giám sát bất thường về ATTT, ngăn chặn tấn công APT (EDR) cho 85 máy chạm (đạt 100%).

+ Thực hiện gắn nhãn tín nhiệm mạng cho Trang thông tin điện tử Sở LĐTBXH.

+ Thực hiện phương án thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sao lưu dữ liệu (dữ liệu số hóa hồ sơ NCC, sơ cở dữ liệu bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo) trên các máy chủ của Sở đặt tại Trung tâm An ninh mạng tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu của ngành (do không đảm bảo cơ sở hạ tầng, nhân lực để lắp đặt tại Sở).

+ Lắp đặt hệ thống Camera giám sát phục vụ giám sát an ninh - trật tự trong khu vực cơ quan.

+ Phối hợp với VNPT Thanh Hóa thực hiện rà soát các đường truyền Internet trong cơ quan, các đơn vị trực thuộc Sở([7]), bảo đảm toàn bộ các máy tính của cán bộ, viên chức được kết nối Internet tập trung qua một đường truyền duy nhất trong cơ quan, đơn vị; triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống mạng máy tính của cơ quan, đơn vị (bao gồm: Tối ưu hệ thống mạng máy tính, thiết lập các vùng mạng/vùng bảo mật thông tin, triển khai phần mềm phòng chống mã độc,…), nhằm chủ động giám sát toàn bộ mạng máy tính, phòng chống được các nguy cơ lây nhiễm virus, tấn công mạng, … vào hệ thống mạng máy tính.

  1. Chính quyền số

a) Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo, điều hành

- Sở LĐTBXH đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số cho 14 tổ chức trực thuộc Sở (đạt 100%); cấp 202 chứng thư số cá nhân chuyên dùng Chính phủ cho công chức, viên chức các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD.Office) theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/5/2020 về việc tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính chuyển từ môi trường làm việc giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được cán bộ, công chức, viên chức các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở sử dụng thuờng xuyên để xử lý công việc, qua đó giúp cho hoạt động của cơ quan, đơn vị đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Trong 9 tháng đầu năm đã tiếp nhận trên 12.000 văn bản đến, trên 28.000 văn bản đi, tỷ lệ ký số đạt 100% (trừ các văn bản, hồ sơ theo có mức độ mật trở lên).

- Thường xuyên sử dụng, theo dõi, cập nhật các nhiệm vụ được UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh giao trên Phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm tổng số nhiệm vụ được UBND và Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở LĐTBXH là 321 nhiệm vụ, trong đó: 267 nhiệm vụ đã xử lý, 54 nhiệm vụ chưa đến hạn xử lý; tỷ lệ công việc xử lý đúng hạn đạt 100%.

- Đã đề nghị Văn  phòng UBND tỉnh cấp hộp thư điện tử công vụ cho trên 200 cán bộ, công chức, viên chức của các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở. Tại Cơ quan Sở tỉnh tỷ lệ cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử phục vụ công việc đạt 100% và thường xuyên sử dụng phục vụ công tác chuyên môn.

b) Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Sở LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 01/4/2020 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, Sở LĐTBXH có 92 TTHC toàn trình, có 79 TTHC một phần, không xác định trực tuyến 28 TTHC (như TTHC: Đưa người có công đối với trường hợp đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC do tỉnh quản lý về nuôi dưỡng tại gia đình; Khám, giám định phúc quyết của đối tượng hoặc đại diện hợp pháp của đối tượng NCC….); đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ ngày 10/11/2023 đến ngày 09/9/2024, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm, đã tiếp nhận 182.863 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC. Kết quả giải quyết: Số hồ sơ đã giải quyết 181.150 hồ sơ (trong đó số hồ sơ giải quyết trước hạn 2.411 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 178.739 hồ sơ); số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 1.713 hồ sơ.

(Người lao động đến giao dịch, giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa)

- Thực hiện tốt các quy định về công khai kết quả giải quyết TTHC (100% kết quả giải quyết TTHC được công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở LĐTBXH tại địa chỉ: https://sldtbxh.thanhhoa.gov.vn), công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC để nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Trang thông tin điện tử của Sở LĐTBXH đã cung cấp kịp thời các thông tin hoạt động của ngành, thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đến các tổ chức, doanh nghiệp, người dân; là Trang thông tin điện tử thành phần thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh, đã thực hiện chuyển đổi sử dụng địa chỉ IPv6, kết nối EMC và đáp ứng đầy đủ quy định về cung cấp thông tin trên môi trường mạng theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; quy định cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho Trang thông tin điện tử theo Thông tư số 22/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Thường xuyên duy trì, cập nhật thông tin, dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trên hệ thống dữ liệu mỡ của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn), hệ thống IOC Thanh Hóa (https://ioc.thanhhoa.gov.vn), Trang thông tin điện tử  Sở và hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ LĐTBXH từ cấp tỉnh đến cấp xã; đăng tải các văn bản pháp luật, góp phần giảm chi phí và nâng cao việc phổ biến các văn bản pháp luật của tỉnh đến với công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm đã cập nhật trên 3.000 văn chỉ đạo, điều hành của Sở trên Trang thông tin điện tử Sở.

- Tiếp tục thực hiện kịp thời việc trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống phản hồi của tỉnh (theo Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 13/01/2020 của UBND tỉnh), Sở LĐTBXH đã phân công 01 công chức làm cán bộ đầu mối sử dụng phần mềm để thường xuyên truy cập vào hệ thống để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh của tổ chức, cá nhân. Đến nay, Sở đã tiếp nhận và trả lời 52 đơn kiến nghị của công dân trên phần mềm (đạt 100%), trong đó: 09 tháng đầu năm là 23 kiến nghị, phản ánh.

8. Kinh tế số

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo các mô hình sản xuất mới phù hợp, hiệu quả.

- Sở ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc tại Cơ quan Sở LĐTBXH([8]); đồng thời có văn bản thông báo các cơ quan, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số với Sở LĐTBXH; đến nay 100% các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu và một số doanh nghiệp khác đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch([9]) và triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa xây dựng mô hình an sinh xã hội; tiến hành cấp tài khoản an sinh và thực hiện chi trả các khoản trợ cấp qua tài khoản (không dùng tiền mặt) cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money...) từ ngân sách nhà nước.

Tính đến tháng 9/2024, đã có 26/27 huyện thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng NCC và đối tượng BTXH (trong đó: huyện Như Xuân đã chi trả cho 100% đối tượng NCC và BTXH; huyện Triệu Sơn chi trả cho đối tượng NCC, huyện Bá Thước chi trả cho đối tượng BTXH); còn lại 01 huyện Quan Sơn chưa thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối tượng NCC và BTXH.

Tổng số đối tượng chính NCC, BTXH đã thực hiện rà soát là 232.529 đối tượng([10]); số đối tượng/người được ủy quyền/người giám hộ đã có tài khoản: 32.654 người (23.593 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 9.061 đối tượng hưởng chính sách người có công); trong đó, số đối tượng đã có tài khoản và được chi trả qua tài khoản là: 21.275 người, đạt tỷ lệ 65,2% so với đối tượng đã có tài khoản (14.966 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 6.309 đối tượng hưởng chính sách người có công).

(Hỗ trợ người dân mở tài khoản chi trả trợ cấp an sinh xã hội; Nguồn ảnh từ: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa)

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, có 66/66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện thanh toán tiền lương, tiền công cho cán bộ, giáo viên bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó: có 32/66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

9. Xã hội số

Xác định chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng kết quả mà chuyển đổi số mang lại; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua Sở LĐTBXH đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số và hình thành công dân số, cụ thể như:

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh và về thanh toán phí, lệ phí điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt; thực hiện các giải pháp áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới.

- Đẩy mạnh thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, phấn đấu 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money... và đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 90% các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt([11]).

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024 còn có những tồn tại, hạn chế như:

- Tỷ lệ giải quyết TTHC hưởng trợ cấp thất nghiệp, thăm viếng mộ liệt sĩ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia còn thấp.

- Số lượng đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn thấp, mới chỉ đạt tỷ lệ 65,2% so với số người đã có tài khoản, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 100%).

- Việc triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ, kiểm tra đánh giá định kỳ an toàn thông tin cho hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị trực thuộc mới chỉ ở mức cơ bản.

- Cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số tại các đơn vị trực thuộc Sở chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn lĩnh vực CNTT do đó trong quá trình xử lý các vấn đề mang tính chuyên môn cao còn lúng túng, gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là:

- Một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa có điều kiện trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý của người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

- Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, đường truyền thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc đăng nhập, xử lý. Thiết bị máy tính ở các xã, phường, thị trấn được sử dụng tích hợp cùng lúc, nhiều phần mềm quản lý thông tin trong khi cấu hình công nghệ chưa bảo đảm yêu cầu dẫn đến bị chậm tiến độ cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu. Số đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế ... gặp khó khăn trong việc trang bị, sử dụng điện thoại thông minh để làm công cụ giao dịch. Một số đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần, trẻ em cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân (người trực tiếp nuôi dưỡng) có thể đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền.

- Đối tượng NCC, BTXH là những đối tượng rất đặc thù, nhiều đối tượng già, yếu hoặc bệnh tật, trình độ sử dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế hoặc không biết dùng... khó thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. Điều kiện hạ tầng, mạng lưới rút tiền, tiện ích thanh toán không thuận lợi, hệ thống các cây ATM của ngân hàng ít, chủ yếu tập trung ở các khu vực trung tâm huyện, chưa đáp ứng nhu cầu rút tiền từ tài khoản đối tượng, nhất là đối tượng vùng sâu, vùng xa. Việc phối hợp giữa các ngân hàng trong giải quyết các sự cố xảy ra khi thực hiện rút tiền bằng thẻ ATM chưa kịp thời.

Đối với các ngân hàng thương mại, các khoản phí giao dịch qua tài khoản là nguồn thu quan trọng. Hiện nay, các ngân hàng đang duy trì nhiều loại phí, mức phí và phương thức thu phí khác nhau với nhiều chính sách và được điều chỉnh liên tục theo từng giai đoạn. Đối với các đơn vị ít đối tượng thì việc hỗ trợ chi phí này dễ dàng, tuy nhiên đối với toàn tỉnh có lượng đối tượng đông chi phí sử dụng tài khoản sẽ rất lớn, các ngân hàng sẽ khó hỗ trợ khoản chi phí này.

- Một số người lao động sử dụng thuê bao không chính chủ, thông tin thuê bao không khớp với thông tin của nhà mạng, nên không xác thực được thông tin thuê bao. Hệ thống chưa được ổn định, thường xuyên lỗi, làm gián đoạn quá trình thực hiện, giải quyết TTHC. Dữ liệu quá trình đóng BHTN trên hệ thống DVC Quốc gia của người lao động còn có nhiều sai sót, sai lệch với sổ BHXH cấp…

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trên và tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, trong thời gian tới Sở LĐTBXH sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiện vụ, giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành trong việc chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để thu hút, định hướng người dân, doanh nghiệp ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số, tham gia xây dựng chính quyền số.

Hai là, Tiếp tục xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình chuyển đổi số để thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của ngành nhằm tăng cường sự tham gia của người dân sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Ba là, Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 100% TTHC đủ điều kiện; cập nhật 100% hồ sơ giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa; đồng thời thường xuyên cập nhật các TTHC, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC trình UBND tỉnh ban hành, cập nhật các quy trình điện tử trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh tại địa chỉ https://hcc.thanhhoa.gov.vn. Đẩy mạnh công tác truyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm khuyết khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh. Tăng cường quản lý, giám sát an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu của ngành.

Bốn là, Thường xuyên ứng dụng các phần mềm: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, Hệ thống Một cửa điện tử, ứng dụng chữ ký số, phòng họp không giấy tờ và kết hợp trực tuyến; các phần mềm dùng chung của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành công việc hằng ngày; cập nhật kịp thời các thông tin công khai minh bạch trên Trang thông tin điện tử của Sở, của đơn vị để người dân và doanh nghiệp biết, khai thác, sử dụng các dịch vụ hành chính công.

Năm là, Tiếp tục thực hiện số hóa thành phần hồ sơ người có công với cách mạng mới phát sinh, số hóa hồ sơ quản lý văn bản và hồ sơ công việc; đầu tư nâng cấp trang thiết bị CNTT, hạ tầng mạng để đảm bảo ngày càng tốt hơn trong triển khai chương trình chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến.

Sáu là, Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới; thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 18/7/2022 của UBND tỉnh), góp phần đưa tỷ lệ qua đào tạo đến năm 2030 đạt 80%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%.

Bảy là, Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản, thực hiện chi trả trợ cấp qua tài khoản cho 100% đối tượng người có công, bảo trợ xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản Mobile Money) từ ngân sách nhà nước. Chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đứng chân trên địa bàn tỉnh tiếp tục khuyến khích người hưởng chính sách ASXH khi mở thẻ ATM, như miễn giảm các loại phí liên quan đến mở, rút và duy trì tài khoản; đầu tư phát triển hạ tầng, lắp đặt thêm các cây ATM tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng đến rút tiền.

Tám là, Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng các mô hình về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Chín là, Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt của Sở; chương trình chuyển đổi số cho thành viên viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc; đồng thời cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia hội nghị chuyên đề, các cuộc tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số do Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh, Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Mười là, Thường xuyên rà soát, cập nhật các bản vá lỗi bảo mật trên các máy tính, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn khi truy cập mạng nội bộ, Internet đối với các máy tính của cơ quan, đơn vị; phối hợp với Trung tâm An ninh mạng tỉnh, Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh theo dõi, ứng cứu, xử lý sự cố, đặc biệt phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các cuộc tấn công mạng; tăng cường giám sát, thu thập thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hệ thống CSDL của ngành.

 

[1] Công văn số 4187/SLĐTBXH-VP ngày 28/8/2024 của Sở LĐTBXH về việc gửi bài viết về chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

[2] Công văn số 1421/UBND-VX ngày 29/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

[3] Công văn số 3502/SLĐTBXH-TEBĐG ngày 26/7/2024 của Sở LĐTBXH về việc rà soát, cập nhật, chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06; Công văn số 5988/SLĐTBXH-BTXH ngày 28/11/2023 về việc đôn đốc gửi các biểu mẫu báo cáo chi tiết về kết quả rà soát hộ nghèo, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập; Công văn số 6710/SLĐTBXH- BTXH ngày 28/12/2023 về việc làm sạch dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo sau rà soát định kỳ năm 2023;

[4] Công văn số 4279/SLĐTBXH- VP ngày 30/8/2024 phổ biến nội dung và phát động “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa” năm 2024.

[5] Quyết định số 496/QĐ-SLĐTBXH ngày 18/01/2024 của Giám đốc Sở LĐTBXH về kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa

[6] Quyết định số 706/QĐ-SLĐTBXH ngày 01/02/2024 của Giám đốc Sở LĐTBXH về việc kiện toàn và đổi tên Tổ Công nghệ thông tin thành Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa.

[7] Công văn số 4231/SLĐTBXH-VP ngày 29/8/2024 của Sở LĐTBXH về việc ăng cường triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo ATTT cấp độ tại các đơn vị trực thuộc Sở.

 

[8] Quyết định số 183/QĐ-SLĐTBXH ngày 22/5/2020 của Giám đốc Sở LĐTBXH Quy định quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc” tại Cơ quan Sở LĐTBXH.

[9] Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 06/6/2023 về việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

[10] Tổng số đối tượng hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là: 252.640 người (trong đó: 187.639 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 65.001 người hưởng chính sách người có công).

[11] Công văn số 1437/SLĐTBXH-GDNN ngày 02/4/2024 của Sở LĐTBXH về việc đôn đốc, rà soát, báo cáo kết quả duy trì, cải thiện và nâng cao chỉ số đánh giá Chuyển đổi số.

<

Tin mới nhất

Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số...(08/10/2024 7:07 SA)

Người lãnh đạo thời chuyển đổi số phải nhạy cảm với xu thế mới(05/10/2024 11:13 SA)

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 09 tháng đầu năm 2024 của Sở Lao...(03/10/2024 10:27 SA)

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024(03/10/2024 9:35 SA)

Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số...(03/10/2024 9:30 SA)

Sở LĐTBXH tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và hướng dẫn Phần mềm...(02/10/2024 7:34 SA)

Ngăn chặn vi-rút xấu, độc ăn mòn nhận thức, biến dạng hành vi (Bài cuối): Đối diện để hòa nhập...(16/09/2024 8:27 SA)

Cảnh báo về trang fanpage giả mạo Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam(16/09/2024 8:21 SA)

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều...(16/09/2024 7:49 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
303 người đã bình chọn
°
786 người đang online