- Đoàn Chủ tịch!
- Kính thưa: Quý vị đại biểu
- Kính thưa toàn thể Đại hội.
Hôm nay, trong không khí từng bừng phấn khởi, chào mừng Đại hội Đảng bộ Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, tiến tới Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa lần thứ 19. Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi tới Đoàn Chủ tịch, các quý vị đại biểu, các đồng chí đại biểu trong đại hội lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch Đại hội, tôi xin được tham gia một số ý kiến như sau:
Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và Báo cáo chính trị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025 đã được trình bày trước Đại hội. Trên cương vị là Bí thư chi bộ phòng Người có công, tôi xin tham luận với chủ đề “ Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Kính thưa Đại hội !
Trải qua sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đã đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm lớn lao, mà còn là tình cảm và đạo lý cao cả, thể hiện nghĩa tình sâu sắc với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn tỉnh đang quản lý 478.047 đối tượng người có công, trong đó có: 4.573 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 155 Mẹ còn sống), gần 56.000 liệt sĩ, gần 46.000 thương binh, hơn 16.000 bệnh binh, hơn 19.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH, gần 1.000 cán bộ Lão thành cách mạng, gần 500 cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 1000 ân nhân cách mạng, gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 100 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, có trên 300 ngàn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế; chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 76.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng, các chế độ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục đào tạo với tổng kinh phí hàng tháng là hơn 135 tỷ đồng.
Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND -UBMTTQ tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, công tác chăm sóc Người có công đã có nhiều đổi mới, kết quả tích cực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được cán bộ Đảng viên, nhân dân ủng hộ, với nhiều hoạt động tri ân có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đến nay, đời sống người có công được cải thiện và nâng cao, có 99,8% Người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú, nhà ở, phương tiện hỗ trợ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe... được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng.
Kính thưa Đại hội !
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc người có công với cách mạng và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, toàn tỉnh vẫn còn 388 hộ người có công có thành viên là hộ nghèo. Công tác quản lý và thực hiện chế độ, chính sách có nơi chưa thực sự chặt chẽ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chưa thực sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, nội dung, hình thức tổ chức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn một số đối tượng người có công trong các thời kỳ kháng chiến vẫn chưa được hưởng chính sách, cá biệt có nơi còn để xảy ra sai sót, tiêu cực v.v… Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân từ nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện chính sách, nhưng cũng có một phần từ những bất cập trong các quy định hiện nay, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đó là các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công trong thời chiến và thời bình chưa thực sự cụ thể và rõ ràng để đảm bảo xác định đúng đối tượng, không để sót đối tượng, khắc phục tình trạng lọt đối tượng và lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi; một số quy định về hồ sơ xác định đối tượng người có công với cách mạng chưa đảm bảo tính khả thi, một số chế độ chính sách mà đối tượng người có công kiến nghị nhiều như vấn đề chế độ thân nhân người có công; chế độ vợ, chồng liệt sĩ tái giá, chế độ người phục vụ, đảm bảo mức sống người có công…còn chưa được ghi nhận trong các quy định hiện hành.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp, các địa phương và Đảng bộ Lao động – TB&XH sẽ tập trung làm tốt một số nội dung sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, qua đó nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đối với người có công, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc của người dân trong giai đoạn hiện nay.
2. Đổi mới cách thức tổ chức phát động và triển khai phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát triển những mô hình hay, việc làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, những gương điển hình tiên tiến, đồng thời xác định nội dung, chương trình hoạt động và cách làm mới, phù hợp, bảo đảm vừa có giá trị động viên thiết thực đối với các đối tượng chính sách, vừa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn dân đối với công tác chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, địa phương trong công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chủ động phối hợp thực hiện chủ trương xác định danh tính liệt sĩ; huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của gia đình người có công bằng những việc làm thiết thực như tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, quan tâm bố trí việc làm cho con thương bình nặng..., phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ người có công không còn hộ nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
3. Tích cực và chủ động tham gia nghiên cứu, tổng hợp những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định về chính sách đối với người có công để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh kịp thời trong quá trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
4. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương tập trung giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng.
Cuối cùng, xin kính chúc Quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc đại hội thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn!