1 Thông tin chung
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Thanh Hóa tiền thân là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số 2 huyện Quan Hóa được thành lập theo Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 05/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh, được đổi tên thành Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số 2 Thanh Hóa theo Quyết định số 3458/QĐ-UBND ngày 09/09/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đến nay, được đổi tên thành Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Thanh Hóa theo Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
- Địa chỉ: Xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
2. Vị trí, chức năng
a) Vị trí: Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở LĐTBXH, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, hạch toán báo sổ và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Cơ sở chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, số lượng người làm việc và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Sở LĐTBXH.
b) Chức năng: Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 có chức năng tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu; điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
c) Trụ sở: Xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc, tư vấn cho đối tượng nghiện ma túy theo quy trình quy định.
b) Tổ chức quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; thông tin, giáo dục, truyền thông và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm.
c) Tư vấn các vấn đề tâm lý xã hội, đánh giá mức độ sử dụng ma túy và bệnh lý của đối tượng trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch can thiệp, điều trị phù hợp với từng người; tổ chức hoạt động tư vấn, trị liệu nhóm và các hỗ trợ về tâm lý, xã hội.
d) Đánh giá mức độ nghiện, bệnh lý; điều trị nghiện, chăm sóc y tế; tổ chức điều trị nội trú, ngoại trí, bán trú phù hợp với từng người nghiện ma túy; tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
đ) Tiếp nhận, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện.
e) Kết nối, tư vấn hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về điều trị cho các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; tuyên truyền, vận động người sử dụng ma túy tham gia chương trình điều trị thích hợp và được hỗ trợ về sinh kế, các hoạt động xã hội khác; hướng dẫn, tư vấn cho gia đình đối tượng về chữa trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng.
f) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở về điều trị nghiện; tổ chức dạy văn hóa, xóa mù và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cap trình độ nhận thức; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội cho đối tượng để thay đổi hành vi nhân cách đảm bảo các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.
g) Tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề theo quy định của pháp luật, gắn với việc thực hiện các dự án việc làm, giảm nghèo, các chương trình kinh tế - xã hội khác phù hợp với điều kiện, cơ cấu kinh tế đặc thù của tỉnh, bảo đảm hướng nghiệp cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện tự tìm việc làm và tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
h) Nghiên cứu thực nghiệm mô hình cai nghiện, chữa trị, phục hồi; phương pháp, quy trình về chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động.
i) Tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường tại Cơ sở và khu vực nơi trú đóng của Trung tâm; lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường với các chương trình, kế hoạch và hoạt động của Cơ sở.
k)Tổ chức quản lý, bảo vệ, gìn giữ trật tự, trị an, an toàn tại Cơ sở; quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
l) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Cơ sở; quản lý biên chế, thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Trung tâm và phân cấp của UBND tỉnh.
m) Hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực được giao; thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan quản lý cấp trên giao và theo quy định của pháp luật.
n) Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
4. Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 gồm có: Lãnh đạo Cơ sở và 05 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe; Phòng Điều trị ngoại trú; Phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất; Phòng Điều trị Nội trú, gồm các khu: (i) Khu điều trị cai nghiện bắt buộc; (ii) Khu điều trị cai nghiện tự nguyện; (iii) Khu điều trị học viên nữ).
Tuy nhiên, do chưa bố trí đủ số người làm việc, hiện nay cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ sở Cai nghiện số 2 Thanh Hóa, gồm:
a) Lãnh đạo Cơ sở: Giám đốc và 02 Phó Giám đốc.
b) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, gồm có 03 phòng:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp.
- Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe.
- Phòng Điều trị Nội trú, gồm các khu: (i) Khu điều trị cai nghiện bắt buộc; (ii) Khu điều trị cai nghiện tự nguyện; (iii) Khu điều trị học viên nữ.
BAN GIÁM ĐỐC
GIÁM ĐỐC TRƯƠNG HẢI DƯƠNG
Điện thoại: Cơ quan: (0237)3 960 605
Email: duongth.sldtbxh@thanhhoa.gov.vn
PHÓ GIÁM ĐỐC NGUYỄN ĐẠO DỤNG
Điện thoại: 0975.75.678
Email: dungnd.sldtbxh@thanhhoa.gov.vn
PHÓ GIÁM ĐỐC NGUYỄN THẾ CƯỜNG
Điện thoại: 0973348345
Email: cuongnt.sldtbxh@thanhhoa.gov.vn