Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Đăng ngày 12 - 09 - 2024
100%

Toàn tỉnh đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 360 xã và 717 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 xã và 450 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số lượng xã đạt chuẩn của tỉnh thuộc top đầu cả nước (xã nông thôn mới đứng thứ hai, xã nông thôn mới nâng cao đứng thứ ba và xã nông thôn mới kiểu mẫu đứng thứ năm cả nước). Phong trào xây dựng thôn/bản NTM kiểu mẫu đã lan tỏa trên nhiều miền quê, đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngành LĐTBXH được giao chủ trì, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách an sinh xã hội.

Bám sát chủ trương, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, Sở LĐTBXH đã chủ trì phối hợp các Sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

Từ nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho các huyện nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo tính kết nối về giao thông, hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, giúp người dân trên địa bàn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần vào thay đổi hạ tầng khu vực nông thôn ở các huyện nghèo của tỉnh.

Với nguồn vốn sự nghiệp được triển khai, trong năm qua đã có nhiều mô hình dự án hiệu quả như: Nuôi bò cái sinh sản ở xã Ban Công, huyện Bá Thước; Nuôi trâu cái sinh sản ở xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc; Dự án liên kết chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước; Dự án bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu dong riềng kết hợp chế biến miến dong Thuận Tâm, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy …  Qua đó giúp cho nhiều hộ nghèo có nguồn sinh kế, việc làm, thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.

Từ việc thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2023 toàn tỉnh đã giảm được 14.573 hộ nghèo, 13.149 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,47% (từ 4,99% xuống 3,52%); hộ cận nghèo giảm 1,32% (từ 6,89% xuống 5,57%); giảm 54.593 lượt hộ thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 (CTMTQG giảm nghèo bền vững; CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG xây dựng nông thôn mới), các trường, trung tâm được phân bổ kinh phí đầu tư để cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo. Năm 2023, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 16.000 lao động nông thôn. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã hướng vào thế mạnh và nhu cầu của từng địa phương. Nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: nghề trồng nấm, may công nghiệp, nghề mây tre đan, trồng hoa, mộc dân dụng, chóc quại bèo tây…. Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 90% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn.

Kết quả này đóng góp không nhỏ vào việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%.

Các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã giúp cho hàng ngàn người lao động nông thôn, nhất là đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số,... được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 62.850 lao động (đạt 108,4% kế hoạch năm), trong đó có 14.710 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (gấp 2,9 lần kế hoạch năm và đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Nghệ An). Một số huyện dẫn đầu về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Hoằng Hóa 1.438 lao động; Hậu Lộc 1.180 lao động, Quảng Xương 904 lao động; Triệu Sơn 870 lao động; Yên Định 856 lao động, Cẩm Thủy 749 lao động… Nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi diện mạo nông thôn; nhiều hộ gia đình có người lao động đi làm việc ở nước ngoài không những thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn thành lập doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, mở trang trại thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động khác trên địa bàn.

Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm từ 5,9% xuống 5,8%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 32,9% xuống 31,1%; Công nghiệp - xây dựng tăng từ 40,38% lên 41,46% và Dịch vụ tăng từ 26,72% lên 27,44%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:

(1) Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của khu vực miền núi còn cao (tỷ lệ hộ nghèo 11,04%; hộ cận nghèo 14,01%).

(2) Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Người lao động chưa nhận thức, đánh giá được vai trò của học nghề để tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, có tâm lý ngại đi học nghề.

(3) Một số địa phương, việc xác định nghề nông nghiệp để đào tạo cho lao động nông thôn chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thu nhập từ một số nghề tiểu thủ công nghiệp chưa cao, mới chỉ ở mức độ giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động.

(4) Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự phát triển, chưa cung cấp đủ thông tin, cơ hội việc làm, học nghề đến người lao động nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

(5) Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động còn nhiều hạn chế, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và tay nghề giỏi.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức phù hợp để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ba là, thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.

Bốn là, tiếp tục hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm, cho người lao động nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và các xã xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Năm là, nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người dạy nghề về kỹ năng nghề; nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo tuyển sinh, tổ chức đào tạo, phương pháp đào tạo cần được thay đổi theo hướng tăng thực hành và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Sáu là, đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho lao động nông thôn. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động vào các cụm công nghiệp ở vùng nông thôn để sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống tạo việc làm ổn định cho lao động.

Bảy là, tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

<

Tin mới nhất

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về giảm nghèo trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền...(25/12/2024 2:04 CH)

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác Chăm sóc, Bảo vệ và Phát huy vai trò người cao...(17/10/2024 12:34 SA)

Thủ tướng phát động Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề ‘‘Mái ấm cho đồng bào tôi’(13/10/2024 7:25 SA)

Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023,...(12/09/2024 1:56 CH)

Sôi nổi các hoạt động thể thao Chào mừng ngày thành lập ngành Lao động - Thương binh và Xã hội...(05/09/2024 4:26 CH)

Trung tâm Chăm sóc, PHCN cho người tâm thần, người RNTT khu vực Miền núi Thanh Hóa tổ chức giải...(05/09/2024 4:09 CH)

Hội thao cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Bảo trợ xã hội chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày...(01/09/2024 2:23 CH)

Sở LĐ-TB&XH ủng hộ gần 321 triệu đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách(08/08/2024 1:48 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Lào Cai(06/07/2024 8:25 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
306 người đã bình chọn
°
1812 người đang online