KẾT QUẢ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN 02 NĂM (2021-2022); NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP GIAI ĐOẠN 2023-2025

Đăng ngày 06 - 03 - 2023
100%

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật giúp hàng chục triệu người được đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển đổi được nghề và tìm kiếm được việc làm mới qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ ở các địa phương, giúp nhiều người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo những năm qua của tỉnh luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể như sau:

1. Công tác đào tạo nghề

Trong 02 năm qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp với quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo. Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nhà giáo và học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia đầu tư, thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đã góp phần tạo điều kiện cho lao động nông thôn, miền núi được tham gia các khóa đào tạo nghề, góp phần đảm bảo Chỉ tiêu số 12 về lao động (tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ) của các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong 02 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 168.116 người (gồm: trình độ cao đẳng là 4.790 người, trình độ trung cấp là 15.270 người, còn lại là trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,5%.

2. Công tác giải quyết việc làm

Thanh Hóa có trên 2,47 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 66,5% tổng dân số, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 2.386.000 người.

Đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh giao UBND cấp huyện công nhận “các ngành kinh tế chủ lực” cho cấp xã bằng văn bản cụ thể (dùng để đánh giá chỉ tiêu trong xây dựng NTM). Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn được xác định dựa trên cơ cấu lao động trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ năm 2022 và  chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025: “Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2025 chiếm dưới 30%”.

Trong 02 năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 127.040 lao động (vượt mục tiêu kế hoạch hằng năm), trong đó có 20.113 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt mục tiêu kế hoạch), nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài đã làm cho thay đổi diện mạo góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại v.v… giải quyết thêm nhiều chỗ việc làm mới. Hộ nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giầu.

Tổ chức trên 80 phiên giao dịch việc làm với gần 800 lượt đơn vị, doanh nghiệp và gần 40.000 lượt người lao động tham gia, qua đó kết nối việc làm thành công cho trên 6.000 lao động.

* Tuy các địa phương trong tỉnh đạt được kết quả đáng khích lệ nêu trên, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân hạn chế có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan sau:

- Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp, đội ngũ giảng viên còn thiếu và chưa chuyên sâu, ngành nghề đào tạo chưa phong phú, chương trình đào tạo chưa bám sát theo yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp, thiếu gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo.

- Chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh của lao động thấp, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và tay nghề giỏi.

- Công tác thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với người lao động còn thấp.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới tỉnh ta đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như sau:

1. Chỉ tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm

- Tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề mỗi năm cho 83.080 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 29%.

- Phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó: Giải quyết việc làm trong nước là 53.000 người và xuất khẩu lao động là 5.000 người;

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, các chương trình, đề án của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; gắn đào tạo nghề với triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về sự cần thiết, tầm chiến lược và tính cấp bách của dạy nghề cho lao động nông thôn; đưa mục tiêu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.

Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đánh giá lại chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, đầu tư trang thiết bị dạy nghề. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo lợi ích chặt chẽ của cả 3 bên: doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn. Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với lao động chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; chính sách thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chú trọng đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp.

Ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn để chuyển đổi nghề nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường việc đào tạo gắn với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động. Lồng ghép đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng làm việc cho người lao động trong quá trình đào tạo nghề như kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, ý thức nghề nghiệp, kỹ năng về an toàn lao động, kỹ năng khởi nghiệp…

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá kết quả  thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương, các cơ sở dạy nghề; kiên quyết không để các cơ sở dạy nghề không đáp ứng đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

2.2. Đối với công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

- Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường và được đảm bảo an sinh xã hội, tuyên truyền, phổ biến thông tin chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách thu hút người lao động quay trở lại làm việc trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh cơ sở...

Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động.

Bổ sung thêm nguồn vốn để doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm; bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ người lao động vay vốn tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người lao động khác. Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để giữ chân người lao động.

Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đăng ký tuyển chọn nguồn lao động trực tiếp, tổ chức đào tạo trực tiếp cho người lao động tại địa phương

Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động: Tổ chức nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, đặc biệt nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung - cầu lao động. Xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm có sự kết nối chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để làm cơ sở quản lý và thực hiện các chính xác, kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động.

Đ/c Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

<

Tin mới nhất

Sôi nổi các hoạt động thể thao Chào mừng ngày thành lập ngành Lao động - Thương binh và Xã hội...(05/09/2024 4:26 CH)

Trung tâm Chăm sóc, PHCN cho người tâm thần, người RNTT khu vực Miền núi Thanh Hóa tổ chức giải...(05/09/2024 4:09 CH)

Sở LĐ-TB&XH ủng hộ gần 321 triệu đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách(08/08/2024 1:48 CH)

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh Lào Cai(06/07/2024 8:25 SA)

Tạo đột phá nhà ở cho người dân, xoá hết nhà tạm, dột nát không hứa suông(09/05/2024 1:56 CH)

Kỷ niệm 60 năm thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội Thanh Hóa(29/02/2024 1:22 CH)

2024 - tăng tốc, bứt phá(01/01/2024 9:33 SA)

Tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Giáp Thìn...(30/12/2023 3:59 SA)

Thanh Hoá: Giảm nghèo bền vững, bao trùm, đa chiều(11/10/2023 7:08 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
301 người đã bình chọn
°
1559 người đang online