Ngày 23/9, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại 2 huyện Nông Cống và Như Thanh.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; ông Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; bà Cầm Thị Mẫn - ĐBQH Chuyên trách; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đại biểu, cử tri huyện Nông Cống và Như Thanh.
Cử tri kiến nghị nhiều nội dung
Tại hội nghị huyện Nông Cống và Như Thanh, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cử tri Lê Đình Bốn (huyện Nông Cống) đã kiến nghị: “Đối với hồ sơ thủ tục công nhận liệt sĩ là thương binh chết do vết thương tái phát, Bộ LĐ-TB&XH giữ nguyên theo quy định tại điểm i điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của Trạm y tế cấp xã có được không? Việc di dời hài cốt liệt sĩ trước đây chỉ cần huyện xác nhận, bây giờ phải có xác nhận của Sở LĐ-TB&XH. Trong khi đó, nhiều địa phương, nhiều gia đình đi lại khó khăn, tốn kém thời gian, thân nhân liệt sĩ đã nhiều lần kiến nghị. Việc xin di dời hài cốt liệt sĩ chỉ cần huyện xác nhận có được không?”.
Cử tri Nguyễn Quốc Tiến (huyện Nông Cống) kiến nghị: “Bộ máy biên chế cấp xã được phân loại theo 3 cấp, có 2 biên chế khối đảng, lại là lãnh đạo. Do đó đề nghị Chính phủ xem xét, trong biên chế công chức cấp xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 biên chế công chức khối đảng. Nhiều cán bộ xã hoạt động theo nhiệm kỳ, gắn liền với bầu cử địa phương. Nhiều người là công chức, bầu không trúng thì được sắp xếp lại công việc. Còn người chưa được tuyển dụng công chức thì chưa được bố trí, không có điều kiện quay trở lại hoặc làm cán bộ bán chuyên trách. Đây là vấn đề bất cập mà nhiều cán bộ cơ sở rất quan tâm”.
Cử tri Cao Văn Lương (huyện Như Thanh) kiến nghị: “Thanh Kỳ thuộc xã vùng 135, đời sống của bà con hết sức khó khăn, muốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phải trông chờ vào Nhà nước. Cử tri rất mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng cho địa phương. Vấn đề nước sạch, đặc biệt là các xã miền núi cực kỳ khó khăn, nước sạch lại là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, Chính phủ cần có quy định lại tiêu chí nước sạch đối với từng vùng, địa phương…”.
Cử tri Nguyễn Thanh Tĩnh (huyện Như Thanh) kiến nghị: “Tiêu chí nghèo đa chiều với việc xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng miền núi, xã 135 rất khó. Nên bỏ tiêu chí hộ cận nghèo, cần có tiêu chí đối với từng vùng, từng địa phương. Đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên, sống ở vùng đặc biệt khó khăn thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà không kèm thêm điều kiện ràng buộc khác”.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cử tri 2 huyện Nông Cống, Như Thanh đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến: Công tác giải phóng mặt bằng, thi công cao tốc Bắc - Nam, xe quá tải, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao thông, y tế, giáo dục…
Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri cũng như giải trình của đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, giải trình thêm những nội dung kiến nghị mà cử tri quan tâm. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới các cử tri đã dành tình cảm, sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất giúp các ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chia sẻ với những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nông Cống và Như Thanh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Tôi rất mừng và phấn khởi khi Thanh Hóa nói chung và Nông Cống, Như Thanh nói riêng có sự “thay da, đổi thịt” rất nhanh. Nông Cống từ một huyện khó khăn thành huyện nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo 2,7%, cận nghèo 5%, các chính sách đến với người dân được triển khai đồng bộ. Đảng bộ, chính quyền và người dân đoàn kết tốt; việc khiếu nại, khiếu kiện ít. Nông Cống có nhiều lợi thế về giao thông, đặc biệt là đường cao tốc chiếm hơn 1/3 tổng số km đi qua toàn tỉnh. Huyện Nông Cống cần biết tận dụng lợi thế này. Phải quy hoạch cho đúng tầm, đảm bảo không gian mở, nghĩ dài, quy hoạch bài bản. Y tế, giáo dục, điểm vui chơi, nhất là cho trẻ em, người cao tuổi phải được quan tâm. Phải đảm bảo an sinh xã hội, chính sách cho người có công, người nghèo, người yếu thế… Đảm bảo kinh tế đi cùng tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội của người dân để lấy phát triển kinh tế đơn thuần…”.
“Khi Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa thì huyện Như Thanh đang có nhiều điều kiện để “cất cánh”, đó là con người, tài nguyên, văn hóa. Tất cả được phát huy, tạo thành sức mạnh cộng hưởng. Tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Như Thanh phải có chiến lược dài hơi, đi sau nhưng khi có nền tảng thì đi nhanh, vững chắc, không được tư duy ngắn, tận dụng lợi thế để phát triển; trong đó, phải đặc biệt chú ý đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có công. Việc thực hiện tiêu chí nghèo đa chiều xây dựng nông thôn mới theo chuẩn mới nhằm tránh bệnh hình thức khi giảm nghèo không bền vững…”, Bộ trưởng thông tin.
Chia sẻ khó khăn với giáo viên mầm non, giáo viên đặc thù, cán bộ y tế cơ sở… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: “Với những kiến nghị của cử tri thuộc huyện, huyện xem xét, giao cho các cơ quan chức năng trực tiếp chủ trì xử lý công việc và có trách nhiệm trả lời người dân. Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, phân cấp, phân quyền để xử lý. Còn những vấn đề thuộc phạm vi cấp tỉnh, huyện báo cáo với tỉnh để xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, đoàn ĐBQH cũng tổng hợp tất cả kiến nghị của cử tri để trong kỳ thảo luận tới tại Quốc hội nêu ra trước Quốc hội, tìm ra những giải pháp tốt nhất…”.
Trả lời cử tri Lê Đình Bốn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Nghị định 131 về Pháp lệnh Ưu đãi người có công đã sửa đổi tương đối toàn diện, việc công nhận đánh giá kết quả vết thương tái phát, cấp xã không đủ điều kiện công nhận. Trong thời bình, việc công nhận liệt sĩ phải thận trọng, chỉ trường hợp đặc biệt dũng cảm, là tấm gương sáng trong cộng đồng, được phát động thi đua học tập trong toàn quốc mới được suy tôn. Liệt sĩ chủ yếu dành cho cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đối với thương binh, tỷ lệ mất sức 61% trở lên và đặc biệt 81%, nếu mất vì vết thương tái phát thì mới suy tôn liệt sĩ. Việc di chuyển hài cốt liệt sĩ phải quản lý chặt chẽ. Với 1,2 triệu liệt sĩ, 800.000 thương binh, 9,2 triệu người có công, 3,2 triệu người bảo trợ xã hội, nếu thay đổi chính sách một chút sẽ cần hàng chục nghìn tỷ đồng”.
Trao đổi thêm với các cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin: “Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động lớn tới nền kinh tế, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt khá, Quý 3 đạt 7,72%, lạm phát 2,4% dưới mức cho phép, đời sống nhân dân ổn định, các chính sách an sinh giữ vững. Việc quan trọng nhất hiện nay là giữ vững ổn định lương thực, đặc biệt địa bàn chiến lược nông thôn; giữ vững thị trường xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu; tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện giải ngân vật tư công; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị… Trong thời gian tới, Chính phủ, Nhà nước sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, cải cách chính sách tiền lương, phụ cấp. Đảm bảo đời sống cán bộ, người lao động, công nhân, viên chức có đời sống ổn định. Khi bàn về mức sống tối thiểu, mức lương tối thiểu, mức lương cơ sở thì lĩnh vực y tế, giáo dục phải quan tâm hàng đầu, nhưng không phải vì thế mà không quan tâm đến các đối tượng khác, kể cả doanh nghiệp cũng phải quan tâm, làm sao đảm bảo ổn định, hài hòa, tiến bộ… ”.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng quà các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn huyện Nông Cống và Như Thanh, mỗi huyện 50 suất quà.