(Baothanhhoa.vn) - Sáng 14-1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ LĐ,TB&XH. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo báo cáo, năm 2022, Bộ LĐ,TB&XH đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong 3 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện. Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với các mạng, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Toàn ngành đã triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh, đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,2% so với cuối năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%...
Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, năm 2023 toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Bộ LĐ,TB&XH đã ban hành với 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết nối cung - cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nhân lực. Tiếp tục đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Ngành LĐ, TB&XH trong năm 2022; đồng thời đề nghị Ngành LĐ,TB&XH tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức của kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Mở rộng chi trả trợ cấp người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội…