Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật giúp hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn; ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp hiệu quả từ các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo thuộc nguồn vốn tín dụng chính sách.
Tại Thanh Hóa, tín dụng chính sách luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 23/KH-TU ngày 30/7/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí Thư (khóa XI). Qua đó, đã được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện. Giúp cho người dân ở các thôn, bản trong tỉnh đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, xóa bỏ hoàn toàn thôn, bản trắng về tín dụng ưu đãi.
Chương trình cho vay hộ nghèo với gần 912,3 ngàn lượt hộ được vay vốn; nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 91 ngàn lượt lao động, giúp hơn 11,3 ngàn lượt lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; giúp đỡ hơn 448,3 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 83,5 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo đã được vay vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo…
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 31/8/2022 đạt 11.898,2 tỷ đồng, với hơn 246 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn qua đó, giúp các hộ gia đình nghèo, khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó đảm bảo cuộc sống, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 2004 - 2005: giảm từ 14,91% (đầu năm 2004) xuống 10,56% (cuối năm 2005), bình quân mỗi năm giảm 2,17%; giai đoạn 2006 - 2010: giảm từ 34,71% (đầu năm 2006) xuống còn 14,93% (cuối năm 2010), bình quân mỗi năm giảm 3,96%, tốc độ giảm nghèo của tỉnh cao gần gấp 2 lần tốc độ bình quân chung của cả nước.
- Giai đoạn 2011-2015, giảm từ 24,86% (đầu năm 2011) xuống còn 6,99% (cuối năm 2015) bình quân mỗi năm giảm nghèo 3,56%.
- Giai đoạn 2016-2020, giảm từ 13,51% (đầu năm 2016) xuống còn 2,20% (cuối năm 2020) bình quân giảm 2,26%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước còn 2,75% hộ nghèo). Tỷ lệ nghèo của tỉnh năm 2021 là 1,51% (15.125 hộ nghèo) bằng 12,67% so với năm 2004 (11,91%) thấp nhất khu vực Bắc Trung bộ, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước (cả nước còn 2,23% hộ nghèo).
- Đầu giai đoạn 2022 - 2025, Toàn tỉnh có tổng số hộ nghèo: 67.684 hộ chiếm tỷ lệ 6,77%; tổng số hộ cận nghèo: 86.912 hộ chiếm tỷ lệ 8,70% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).
- Năm 2022, hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 49.893 hộ, tỷ lệ: 4,99% (toàn tỉnh giảm 17.791 hộ, tương ứng giảm 1,79%, so với rà soát đầu kỳ tháng 5/2022; vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh 0,29%); Hộ cận nghèo cuối năm 2022 giảm còn 68.946 hộ, tỷ lệ: 6,89% (giảm 17.966 hộ, tương ứng giảm 1,81%).
Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đang gặp một số khó khăn và thách thức, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các chương trình này. Cụ thể như:
- Nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tăng trưởng tín dụng hàng năm chủ yếu từ nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh còn thấp.
- Chất lượng tín dụng một số nơi chưa cao. Một số hộ sau khi vay vốn bỏ đi khỏi địa phương không xác định được thông tin hoặc địa chỉ, gây khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ.
- Một số nơi, công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
- Về mức cho vay, mức cho vay một số chương trình (cho vay hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay NS&VSMT nông thôn...) còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế do biến động của giá cả thị trường, phần nào đó tác động đến hiệu quả thực tế từ vốn vay chưa được như yêu cầu đặt ra.
- Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch Covid - 19 diễn biến khó lường; dịch tả lợn Châu Phi, dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên trâu, bò.. tác động xấu đến tâm lý sản xuất và tiêu dùng của người dân; giá cả các loại nguyên liệu, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống vẫn ở mức cao so với các sản phẩm của nông dân; đời sống của người nghèo, các đối tượng chính sách còn gặp không ít khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách…
- Tại một số địa phương, trình độ quản lý, nghiệp vụ làm dịch vụ ủy thác và công tác tập huấn của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu của vốn tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số những nội dung sau:
1. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước
- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan quan tâm rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho hoạt động huy động vốn của NHCSXH trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội; tăng định mức cho vay, kéo dài thời gian... nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
- Quan tâm bố trí nguồn vốn để tổ chức thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ để các địa phương triển khai thực hiện.
2. Đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam
Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng chính sách xã hội và yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới như: cho vay theo chuỗi, cho vay góp vốn, tổ hợp tác, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ có thu nhập trung bình, cho vay thanh niên khởi nghiệp và tự tạo việc làm và các chính sách tín dụng mới cho các đối tượng phát sinh theo yêu cầu trong từng giai đoạn.
3. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tiếp tục tham mưu HĐND, UBND cùng cấp có kế hoạch bố trí ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo lập nguồn vốn ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19 gây nhiều tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và đời sống của nhân dân trên địa bàn nói riêng, cần tiếp tục tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, tham mưu HĐND, UBND cùng cấp dành một phần ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH cho vay các cơ sở SXKD, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
- Tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tín dụng chính sách xã hội (cán bộ ngoài hệ thống NHCSXH) gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng cấp thôn, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội làm công tác ủy thác vay vốn các cấp; Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn…, đảm bảo hiểu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội và làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đối với các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai, NHCSXH cần chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, chỉnh sửa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, thuận lợi và sử dụng vốn vay đạt hiệu quả.
- Thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; quan tâm rà soát, kiện toàn đội ngũ Ban quản lý Tổ, đảm bảo đủ uy tín, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội an toàn, hiệu quả.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch NHCSXH tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác giao dịch với ngân hàng và tiếp cận kịp thời với các chủ trương tín dụng chính sách của Đảng, Chính phủ, các quy trình, thủ tục vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
4. Đối với cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương
- Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
- Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; đồng thời, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn, phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
- Quan tâm hơn nữa trong việc bố trí ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo lập nguồn vốn ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
5. Về công tác tuyên truyền
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan và NHCSXH cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, gắn với việc quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ ở các cấp để rút ra bài học kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, cần quan tâm tổ chức quán triệt sâu rộng và đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội./.