Công tác chăm sóc người có công với cách mạng và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021

Đăng ngày 11 - 01 - 2022
100%

Năm 2021, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn cơ bản giữ được ổn định, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,85%, thuộc nhóm cao nhất cả nước, các chỉ tiêu quan trọng đều tăng khá so với cùng kỳ. Tình hình an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân cơ bản ổn định.

Tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; phê duyệt hỗ trợ đối với trên 13.300 lượt người sử dụng lao động, hộ kinh doanh và trên 535.000 lượt người lao động, tổng kinh phí gần 850 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp ổn định thị trường lao động, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu lao động và hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch (Thanh Hóa là địa phương đầu tiên ban hành Phương án đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly). Đến nay, đã có 31.900 lao động trở lại làm việc tại các tỉnh, thành; 40.100 lao động trở về từ vùng dịch tìm được việc làm trong tỉnh; 2.200 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và 410 lao động hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, số tiền đã giải ngân là 28,6 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã giao Sở LĐTBXH phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Cung ứng Nguồn Nhân lực JHL Việt Nam ký kết Biên bản hợp tác nhằm thúc đẩy triển khai “Dự án 30.000 lao động chất lượng cao” theo mô hình dịch chuyển lao động quốc tế gắn với đào tạo kỹ năng nghề. Nhìn chung, thị trường lao động của tỉnh đã cơ bản ổn định và có bước phát triển, với 67.190 người được tạo việc làm mới, vượt 13,9% KH đề ra.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quan tâm; kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề đạt 84.458 người, bằng 100,2% KH; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 71%. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện hiệu quả, đời sống của Nhân dân cơ bản ổn định. UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã ban hành Phương án đảm bảo an sinh xã hội trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; tổ chức trao tặng 1.500 túi an sinh xã hội cho người dân tại các địa bàn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh tổ chức Điểm an sinh xã hội giúp hỗ trợ trên 20.400 người dân từ các tỉnh, thành phía Nam di chuyển qua địa bàn tỉnh để về quê.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả; UBND tỉnh đã phân công các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi hợp tác, phối hợp với các huyện miền núi và giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh đỡ đầu, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn. Nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ thiết thực đã được thực hiện, trong đó: riêng Sở LĐTBXH đã huy động được trên 350 triệu đồng để hỗ trợ người dân tại xã Nhi Sơn (là xã ĐBKK thuộc huyện Mường Lát). Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm 0,69% (từ 2,20% cuối năm 2020 xuống còn 1,51%), vượt 0,09% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung ưu tiên, dành nguồn lực để thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tập trung chăm lo, nâng cao đời sống cho các gia đình người có công với cách mạng; xác định đây là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và của toàn xã hội.

Toàn tỉnh hiện có trên 340.000 người có công với cách mạng (gồm: 4.625 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện có 107 Mẹ còn sống; hơn 56.000 liệt sĩ; gần 44.000 thương binh; hơn 15.000 bệnh binh; 1.500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; gần 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 203.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế; gần 15.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học v.v...). Hằng tháng, chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho hơn 71.000 người có công và thân nhân, tổng kinh phí trên 134,8 tỷ đồng. Hằng năm, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi đối với trên 30.000 trường hợp; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định. Các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng đã tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thường xuyên cho 235 người có công và điều dưỡng tập trung, luân phiên cho trên 30.000 lượt người có công.

Các hoạt động hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tỉnh đã hỗ trợ xây mới 10.502 nhà, sửa chữa 10.688 nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng. Công tác tìm kiếm, tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ và chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, khắc phục hậu quả sau chiến tranh luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 740 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ, 30 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi an nghỉ trên 10.000 mộ liệt sĩ và gần 2.000 mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang dòng họ. Riêng trong năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ 18 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ của Trung ương để cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ và bia ghi danh các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động hỗ trợ đảm bảo đời sống người có công với cách mạng được tích cực thực hiện. Năm 2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ban, sở, ngành, cấp ủy các cấp đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ nâng cao đời sống của hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống của người có công và gia đình. Đồng thời, phát động và triển khai mạnh mẽ các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tích cực xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, với tổng số tiền vận động, huy động từ năm 2013 đến nay là gần 122 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.830 nhà ở cho người có công, kinh phí trên 36 tỷ đồng; trao tặng 1.003 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng v.v... Trong dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, toàn tỉnh có trên 384.000 lượt người có công và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước và quà tặng của tỉnh, với tổng kinh phí trên 117 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh chiếm 50%).

Đến nay, đời sống của các đối tượng cơ bản ổn định; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và gần 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Đời sống của một số hộ gia đình có thành viên là người có công với cách mạng, nhất là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng gặp khó khăn do chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy, định mức số lượng người làm việc v.v...

Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc người có công cách mạng, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Về công tác đảm bảo an sinh xã hội: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tập trung hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ giảm nghèo, trong đó: ưu tiên đầu tư nguồn lực để hỗ trợ các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mắt, cần tiếp tục triển khai tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

2. Về lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thường xuyên theo dõi, tổng hợp những bất cập, hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện để kiến nghị điều chỉnh kịp thời; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng.

Hai làđẩy mạnh các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, huy động đa dạng nguồn lực để hỗ trợ chăm lo đời sống của người có công với cách mạng; quan tâm thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ. Phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cư nơi cư trú.

Ba là,  chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác người có công các cấp; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Bốn là, thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

<

Tin mới nhất

Xin ý kiến dự thảo Nghị quyết Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm...(16/02/2024 4:31 CH)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng chúc Tết các bệnh viện(07/02/2024 2:00 CH)

Đoàn đại biểu tỉnh dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mẹ Việt...(07/02/2024 1:57 CH)

Thủ tướng: Quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp(29/01/2024 4:08 CH)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra tình hình sản xuất và thăm, tặng quà gia đình chính...(24/01/2024 4:55 CH)

Chung tay huy động mọi nguồn lực chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo...(30/12/2023 4:04 SA)

thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe; chế độ ăn thêm ngày lễ, tết; cấp phương tiện trợ...(04/12/2023 4:11 SA)

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, Trung đoàn...(06/09/2023 5:29 CH)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện tốt nhất các chính sách với người có công, với tình cảm,...(02/08/2023 10:37 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
279 người đã bình chọn
°
1333 người đang online