Dạy nghề đúng và trúng - khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong mỗi người dân

Đăng ngày 10 - 05 - 2023
100%

(vhds.baothanhhoa.vn) - Xoay quanh câu chuyện đào tạo, dạy nghề cho người dân ở khu vực miền núi nói chung, đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói riêng thực sự đạt hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với các ông, bà: Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hoàng Thị Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa; Hà Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung (Mường Lát).

Bà Trịnh Thị Minh Hường: Nguồn lực dành cho việc đào tạo, dạy nghề ở khu vực miền núi đã sẵn sàng

PV: Xin bà cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, công tác đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số đang được thực hiện như thế nào?

Bà Trịnh Thị Minh Hường: Thanh Hóa đang triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn/bản miền núi, 60% số thôn/bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; CTMTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021-2025 từ 1,5% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên, phấn đấu 30% huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn... Trong đó, các CTMTQG đều chú trọng, dành kinh phí cho việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân.

Có thể khẳng định, nguồn kinh phí Nhà nước bố trí dành cho công tác đào tạo, dạy nghề cho người dân hiện nay không thiếu, đã sẵn sàng phân bổ. Năm 2023, chỉ riêng kinh phí dành cho phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là hơn 107,6 tỷ đồng.

Các dự án đào tạo nghề được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động khu vực miền núi nói chung, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 60% và số lao động được tạo việc làm bình quân đạt 20.000 người/năm.

Nguồn lực dành cho công tác đào tạo, dạy nghề không thiếu. Vấn đề quan trọng là các địa phương phải khảo sát nhu cầu thực tế của người dân, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ngay tại địa phương, để người lao động sau khi học nghề, có nghề không phải ly hương. Các địa phương thụ hưởng từ các dự án đào tạo nghề phải có trách nhiệm giám sát các cơ sở đào tạo, đồng thời chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phát huy lợi thế địa phương, đấu mối với doanh nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cũng như hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm…

Bà Hoàng Thị Thoa: Đa dạng các nghề đào tạo

PV: Thưa bà Hoàng Thị Thoa, bà nghĩ như thế nào về câu chuyện đào tạo, dạy nghề cần đúng và trúng? Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đã làm thế nào để việc đào tạo nghề thực sự hiệu quả?

Bà Hoàng Thị Thoa: Phải khẳng định, đào tạo, dạy nghề đúng và trúng là vấn đề chưa bao giờ cũ ở tất cả các cấp bậc, các cơ sở đào tạo, dạy nghề nói chung.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa thời gian qua luôn bám sát các quy hoạch, chương trình phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn. Hiện tại, ngoài các ngành nghề đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp thì nhà trường còn thường xuyên cập nhập các nghề đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện miền núi cao. Mới đây, nhà trường vừa bổ sung thêm 18 nghề đào tạo thường xuyên liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi.

Khi các huyện có chương trình “đặt hàng” đào tạo nghề cho người dân, nhà trường cũng căn cứ vào thế mạnh của mỗi địa phương để từ đó khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người dân - người dân đang cần gì, thiếu gì, để từ đó tư vấn, phối hợp mở lớp đào tạo nghề đạt kết quả tối ưu.

Không chỉ vậy, do địa bàn các huyện miền núi xa xôi, đi lại khó khăn. Việc mở lớp đào tạo nghề cho người dân được nhà trường phối hợp với các huyện, xã mở lớp ngay tại thôn, bản. Việc dạy nghề gắn liền với thực hành thực tế, cầm tay chỉ việc.

Ông Hà Văn Thìn: Thay đổi nếp nghĩ - khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong mỗi người dân

PV: Tam Chung được biết đến là một trong những xã nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Mường Lát. Theo ông, đâu là nguyên do sâu sa khiến người dân trên địa bàn xã chưa thực sự mặn mà với các chương trình đào tạo, dạy nghề hiện nay?

Ông Hà Văn Thìn: Xã Tam Chung có 8 bản, cuối năm 2022 toàn xã có 891 hộ với tổng 4.349 nhân khẩu. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo 50,6%, hộ cận nghèo 9,99%.

Nguyên nhân chính dẫn đến đời sống người dân Tam Chung khó khăn là bởi địa hình đồi núi dốc, đất đai cằn cỗi, khó canh tác. Câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để có thể đem lại hiệu quả kinh tế luôn là trăn trở của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là trình độ dân trí còn thấp, đa phần người Mông ở Tam Chung chỉ học hết tiểu học. Đa số “ngại” tham gia các lớp học nghề. Đồng thời, không ít người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa có tinh thần cố gắng để thoát nghèo.

Để việc giảm nghèo ở Tam Chung đạt kết quả, đầu tiên phải nâng cao được trình độ dân trí, nhận thức trong người dân, thay đổi nếp nghĩ - cách làm, từ đó khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong người dân.

Bên cạnh đó, do đặc thù mỗi địa phương khác nhau nên rất mong các cấp, ngành có sự khảo sát, chọn lọc kỹ trước khi mở lớp. Nghề được dạy phải dễ hiểu, dễ áp dụng thực tế và phù hợp với đặc thù canh tác, nuôi trồng của địa phương, thậm chí công tác đào tạo, dạy nghề cho người dân phải đi liền với cầm tay chỉ việc…

Thu Trang (thực hiện)

<

Tin mới nhất

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
279 người đã bình chọn
°
1279 người đang online