Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống ma túy

Đăng ngày 23 - 04 - 2021
100%

Sáng 16/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Phòng, chống ma túy, được thông qua ngày 30/3/2021 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (Luật số 73/2021/QH14)

Luật Phòng, chống ma túy gồm có 8 chương, 55 điều, với các nội dung quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy được xây dựng và thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống ma túy, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, đặc biệt là công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an tại buổi công bố Luật Phòng, chống ma túy

Về quy định phòng, chống ma túy, Luật nhấn mạnh “Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy”. “Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”.

Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật gồm: Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần trái quy định của pháp luật; sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Luật cũng quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần…; chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai; hướng dẫn sản xuất, sử dụng ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; kỳ thị người nghiện, cai nghiện, sau cai…

Về biện pháp cai nghiện ma túy gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Luật không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Đáng lưu ý, điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy 2021 so với luật năm 2000 là vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Cụ thể, luật quy định những trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (Điều 22) để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát người có hành vi sử dụng ma túy.

Theo Điều 32 quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện. Trong thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Điểm tích cực về quy định quản lý người sử dụng ma túy từ lần phát hiện đầu tiên là thể hiện rõ sự phân công trách nhiệm của các cơ quan. Trước đây, việc quản lý người nghiện đang có sự chồng chéo, như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao trách nhiệm quản lý cai nghiện, Bộ Y tế được giao trách nhiệm xây dựng phác đồ điều trị cai nghiện. Với luật mới, trách nhiệm quản lý người sử dụng ma túy được giao cho một đầu mối thống nhất là cơ quan công an, buộc công an cơ sở phải có hồ sơ phục vụ việc theo dõi, quản lý các đối tượng ngay từ đầu.

Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Xem chi tiết Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 tại đây./.

<

Tin mới nhất

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý (03/07/2023 7:41 SA)

Nhiều điểm mới trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021(19/05/2021 5:25 CH)

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống ma túy(23/04/2021 2:47 CH)

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo và tổ chức tốt cai nghiện ma túy(13/04/2021 7:36 SA)

Tập huấn nghiệp vụ cho đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm(20/09/2020 9:56 SA)

Thanh Hóa: Nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho sinh viên(24/06/2020 1:37 CH)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức truyền thông nói chuyện chuyên đề...(29/11/2019 10:42 SA)

Tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện bắt buộc(11/11/2019 3:42 CH)

Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm...(01/10/2019 2:49 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
276 người đã bình chọn
°
2620 người đang online