Giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày 30 - 04 - 2020
100%

        Kính thưa toàn thể đại hội!

 

Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ sở nhiệm kỳ 2015-2020 trình Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Từ thực tiễn trong việc triển khai thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Sở, với chức năng tham mưu cho lãnh đạo Sở thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tại Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tôi xin phát biểu một số ý kiến để minh chứng thêm về sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban CH Đảng bộ nhiệm kỳ vừa qua về lĩnh vực GDNN.

Tính đến tháng 3/2020, toàn tỉnh có 60 cơ sở GDNN, trong đó có 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp, 31 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 32 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN, một mặt tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho người có nguyện vọng và nhu cầu học nghề, mặt khác cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế của tỉnh.

 Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức đào tạo tại các cơ sở GDNN cơ bản được thực hiện tốt, phát triển ổn định, đi vào nề nếp và đảm bảo theo các quy định hiện hành. Đã áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực của người học, một số trường đã áp dụng mô hình "đào tạo kép" phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp, thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệp nghề nghiệp cập nhật cho giáo viên và sinh viên các kỹ năng mới, công nghệ mới.

Trong xu thế hiện nay, việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là một tất yếu, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả GDNN; ngoài việc đào tạo trình độ TC, CĐ để tạo ra một đội ngũ người lao động có trình độ cao tham gia thị trường lao động với kỹ năng nghề cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, đã chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm bền vững cho người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp.

Thông qua các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp được hình thành.

Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Nhiều trường mời doanh nghiệp tham dự lễ tốt nghiệp để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Một số trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Tính trung bình, từ năm 2018 đến nay tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 87%, TC đạt 82%. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên CĐ sau khi tốt nghiệp đạt 7,0 triệu đồng/tháng, học sinh TC sau khi tốt nghiệp đạt 6,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, có những nghề ở một số trường sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường CĐ, TC đã góp phần định hướng, thay đổi dần nhận thức của xã hội về vai trò của GDNN. Số lượng tuyển sinh tăng lên hàng năm. Năm 2019, cả tỉnh đã tuyển sinh được 83.312 người, đạt 101,4% so với kế hoạch năm. Kết quả tuyển sinh những năm gần đây cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò của GDNN đã được nâng lên, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào GDNN đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở so với tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trình độ trung cấp không ngừng tăng từ năm 2017 đến nay.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của tỉnh, trong thời gian tới hệ thống các cơ sở GDNN cần tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nhằm trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh nội dung thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn với việc làm bền vững, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong GDNN, để doanh nghiệp tham gia ngày càng sâu vào GDNN. Đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có nhân lực kỹ năng nghề có chất lượng thì cần tham gia đặt hàng, phối hợp và tham gia đào tạo.

Đề nghị một số giải pháp:

- Đối với Sở LĐ-TBXH: Tăng cường công tác thống kê; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp với dự báo về thị trường lao động, việc làm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý GDNN, việc làm, thị trường lao động của Bộ với tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội

Đối với các cơ sở GDNN: chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác...); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên.

Triển khai thực hiện cơ chế 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực thiếu nhân lực (công nghệ thông tin, du lịch,…); triển khai thí điểm một số mô hình gắn kết thông qua cơ chế này.

Đối với các doanh nghiệp: cần tạo điều kiện, tiếp nhận những sinh viên đã từng thực tập tại doanh nghiệp của mình trước đây vào làm việc, tham gia vào quá trình sản xuất ngay và không phải đào tạo lại.

Bồi dưỡng kỹ năng dạy học (phương pháp sư phạm) cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp; mời các chuyên gia giỏi, kỹ sư giỏi của doanh nghiệp tham gia biên soạn chương trình, giáo trình; trực tiếp đào tạo; rèn kỹ năng nghề cho HS,SV nhằm thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào GDNN.

Đối với các nhà giáo: hàng năm phải có thời gian đi thực tế tại doanh nghiệp, các cơ sở GDNN cần trao đổi với các doanh nghiệp tạo điều cho giáo viên được tham gia vào quá trình sản xuất thực tế của doanh nghiệp để có kiến thức chuyên môn trong thực tiễn tổ chức sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Một số đề xuất trong nhiệm kỳ tới:

- Tiếp tục công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp tổ chức tư vấn về học nghề - việc làm; tăng cường và hình thành bộ phận công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường để tư vấn cho người lao động.

- Tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách cho người học, tạo nhiều thuận lợi, ưu đãi, hấp dẫn người học đến với GDNN, tạo nên sự phân luồng tự động (phân luồng người học bằng chính sách).

Khuyến khích các cơ sở GDNN chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác...); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên.

- Đề nghị Bộ LĐ-TBXH phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng, ban hành các danh mục ngành nghề lao động phải qua đào tạo, cần có chứng chỉ hành nghề khi tham gia vào thị trường lao động, làm cơ sở tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với GDNN.

- Đề nghị UBND tỉnh tạo lập quỹ đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường lao động đóng góp vào quỹ đó. Vinh doanh các doanh nghiệp có đóng góp vào các cơ sở GDNN và xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ về thị trường lao động để các doanh nghiệp qua hệ thống thông tin này tuyển dụng; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.

Kính thưa toàn thể đại hội!

Trên đây là tham luận của Chi bộ Phòng Giáo dục nghề nghiệp về kết quả và những bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ Sở trong nhiệm kỳ qua đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, gắn GDNN với tạo việc làm, và đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Xin trân trọng cảm ơn đại hội, chúc đại hội thành công./.

<

Tin mới nhất

Rạng rỡ Việt Nam(03/02/2025 8:01 SA)

Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ...(15/08/2024 3:06 CH)

Thanh Hóa quyết tâm trở thành tỉnh “giàu có”, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của đồng chí...(24/07/2024 8:03 SA)

Những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024(14/01/2024 1:59 CH)

Những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023(28/12/2023 12:25 SA)

Kết quả nhiệm vụ xây dựng cơ sở và thực hiện Quy chế dân chủ năm 2023(26/12/2023 1:50 CH)

Kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2020-2025(30/06/2023 2:50 CH)

Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh(29/12/2022 8:35 SA)

Chi bộ Phòng Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên mới (07/05/2022 9:24 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
326 người đã bình chọn
°
778 người đang online