Triển khai Đề án “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2024-2025

Đăng ngày 15 - 10 - 2024
100%

Việc ban hành Đề án 3822 không chỉ thể hiện tinh thần quyết tâm cao của lực lượng Công an Thanh Hóa trong đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, với mục tiêu cao cả và rất tốt đẹp là mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Trước những tác hại và hiểm họa khôn lường của tệ nạn ma túy, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp đấu tranh, kiểm soát tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, đạt được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi. Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy cấp huyện ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng chống và kiểm soát ma túy. Nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về hiểm họa, tác hại của ma túy được nâng lên; đã tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy. Các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của tỉnh, đặc biệt là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; chủ động phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, nhiều đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tỉnh, xuyên quốc gia. Đến nay, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh đã và đang được ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả, cơ bản không còn tồn tại các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh, trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn rộng, dân số đông, tiếp giáp với các địa bàn có hoạt động tội phạm ma túy phức tạp, nên tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, chặt chẽ, khép kín; hoạt động tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ; ngoài phương thức tổ chức sử dụng trái phép ma túy tại các quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ…, các đối tượng có xu hướng chuyển về những địa điểm, như: Nhà riêng, căn hộ chung cư…, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố còn 468/558 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Toàn tỉnh hiện có 1.992 người nghiện, 271 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý đang sinh sống ngoài cộng đồng; 1.346 người nghiện đang tham gia điều trị Methadone; có 1.016 người đang được quản lý sau cai tại cộng đồng. Toàn tỉnh có 02 Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện nay, số người cai nghiện ma túy đang được quản lý tập trung tại 02 cơ sở là 745 người[1]; chỉ đáp ứng nhu cầu chưa đến 30% tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện còn bất cập, hiệu quả thấp, nguy cơ tái nghiện cao…

Từ thực trạng trên, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, khoa học, chặt chẽ; sự tham gia vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thì việc hoàn thành mục tiêu của Đề án 3822 là xây dựng 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy theo tiêu chí của Bộ Công an trong năm 2025 là khó hoàn thành. Theo đó, trong năm 2025 huyện Vĩnh Lộc phải phấn đấu mục tiêu 13/13 xã, thị trấn không ma túy theo tiêu chí của Bộ Công an. Để thực hiện thành công Đề án, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Huyện Vĩnh Lộc cần quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nội dung như sau:

1. Cần quan tâm quán triệt sâu sắc quan điểm: Phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội; trong đó, lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, chủ trì trong đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy.

2. Trong thực hiện nhiệm vụ phải quyết liệt, thực chất trong toàn hệ thống chính trị của Huyện; trong đó hạt nhân là các gia đình không ma tuý; dòng họ không ma tuý; thôn, tổ dân phố không ma tuý để xây dựng thành công “Xã, phường, thị trấn, huyện Vĩnh Lộc không ma túy” trong năm 2025 theo tiêu chí của Bộ Công an. 

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy bằng nhiều hoạt động thiết thực, nội dung hấp dẫn, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tận dụng và phát huy hiệu quả mạng Internet, các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để phục vụ công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ, hậu quả, tác hại, hiểm hoạ của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các loại chất hướng thần, các loại ma túy mới được pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cá biệt đối với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao, vi phạm pháp luật về ma túy.

4. Đối với người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, đề nghị UBND huyện Vĩnh Lộc quan tâm chỉ đạo:

- Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực tham gia xóa bỏ mặc cảm kỳ thị, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động gia đình họ phối hợp trong việc giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa để họ có điểm tựa vững chắc để trở lại với cuộc sống bình thường.

- Khuyến khích các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập, thông qua các hoạt động tình nguyện và hỗ trợ sinh kế.

- Chỉ đạo UBND cấp xã nắm bắt số lượng người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm, hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ đăng ký học nghề, tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập cộng đồng bền vững;

- Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sinh kế, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống.

- Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện tạo điều kiện nhận người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, hạn chế nguy cơ tái nghiện, tái vi phạm pháp luật.

5. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thực hiện nắm thông tin về thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các cơ sở giáo dục; lập danh sách cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy để phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý hoặc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện ma túy; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma tuý để tư vấn, giúp đỡ.

6. Đối với Công an huyện Vĩnh Lộc, đề nghị chỉ đạo lực lượng công an cấp xã, tổ an ninh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; chủ động nắm chắc tình hình trên địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng chống và kiểm soát ma túy. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án 3822.

Tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý, kiểm tra chặt chẽ các loại thuốc tân dược có chất gây nghiện, thuốc hướng thần trong lĩnh vực y tế và công nghiệp, không để tội phạm lợi dụng sản xuất, điều chế các chất ma tuý tổng hợp.

 


[1] Gồm: (1) Cơ sở CNMT số 1 là: 562 người (Bắt buộc: 520 người, tự nguyện: 42 người); (2) Cơ sở CNMT số 2 là: 183 người (Bắt buộc: 163 người, tạm gửi: 5 người, tự nguyện:15 người).

<

Tin mới nhất

Thực trạng và giải pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc nâng cấp các cơ sở cai nghiện ma túy công...(20/12/2024 2:07 CH)

Triển khai Đề án “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy” trên địa bàn tỉnh...(15/10/2024 1:50 CH)

Hoạt động chào mừng 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 -...(04/09/2024 2:51 CH)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý (03/07/2023 7:41 SA)

Nhiều điểm mới trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021(19/05/2021 5:25 CH)

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống ma túy(23/04/2021 2:47 CH)

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo và tổ chức tốt cai nghiện ma túy(13/04/2021 7:36 SA)

Tập huấn nghiệp vụ cho đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm(20/09/2020 9:56 SA)

Thanh Hóa: Nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho sinh viên(24/06/2020 1:37 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
326 người đã bình chọn
°
421 người đang online