Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện huy động tối đa các nguồn lực xã hội để chăm lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực đã góp phần đảm bảo cho các gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được đón Tết, vui Xuân đầy đủ, đầm ấm và ý nghĩa.
Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch, Dự án liên quan đến thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 3,52%, giảm 1,47% so với năm 2022 (tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2022 - 2023 đạt 1,63%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra); giải quyết việc làm mới cho khoảng 62.850 lao động, (vượt 7,9% so với kế hoạch năm và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho khoảng 14.710 lao động (gấp 2,9 lần so kế hoạch năm và tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước); thực hiện trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 27.769 lao động (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2022); các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định cho trên 193.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí thực hiện trong năm trên 1.300 tỷ đồng; chi trả trợ cấp hằng tháng cho trên 740.315 lượt đối tượng chính sách người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, với tổng kinh phí thực hiện trong năm hơn 1.582,2 tỷ đồng. Nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức tặng quà chúc thọ, mừng thọ cho 67.054 người cao tuổi với tổng kinh phí 29,2 tỷ đồng; tặng quà cho 580.148 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí 381,85 tỷ đồng (tăng 116,29 tỷ đồng so với tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022); tham mưu, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ 470.580 kg gạo, trị giá gần 6,5 tỷ đồng cho 3.704 hộ với 22.017 khẩu thuộc 03 huyện miền núi (gồm: huyện Thường Xuân, huyện Quan Hóa, huyện Mường Lát) và Hội Người mù tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; kêu gọi, vận động nguồn lực để hỗ trợ cho 7.648 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí trên 4,4 tỷ đồng.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) bảo đảm thiết thực, trang trọng, ý nghĩa; đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho 190.538 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện trên 57,686 tỷ đồng. Ngoài ra, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương (ngân sách huyện, xã) và hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để trao tặng 52.720 suất quà, trị giá gần 15 tỷ đồng cho người có công với cách mạng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 99,5% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Các cơ sở trợ giúp xã hội, các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng và các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người cai nghiện, góp phần ổn định trật tự, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” và Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” v.v... phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Đã huy động sự đóng góp của Nhân dân đối với Quỹ “Vì người nghèo” trên 96 tỷ đồng (trong đó: cấp tỉnh trên 24 tỷ; cấp huyện trên 55 tỷ; cấp xã trên 17 tỷ đồng); hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.560 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hàng vạn xuất quà thăm hỏi gia đình người có công với cách với cách mạng; hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh doanh, sản xuất; vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được trên 152 tỷ đồng để tặng quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đột phá, hiệu quả nhằm phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, là tỉnh có dân số đông (gần 3,7 triệu người, đứng thứ 3 cả nước), chịu tác động, ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh nên đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn nhiều, đời sống của các đối tượng vẫn khó khăn, rất cần sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có khoảng 349.000 người có công với cách mạng, có 193.891 đối tượng bảo trợ xã hội, có 35.320 hộ nghèo; 55.797 hộ cận nghèo; có 15.069 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 129.195 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 01/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc tổ chức tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”; “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, chủ động tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công nhân, người lao động bị mất việc làm, v.v…đảm bảo mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết an toàn, đầm ấm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam kế hoạch thăm, tặng quà cho 94.206 người có công với cách mạng và thân nhân, mức quà tặng là 300.000 đồng/người, với tổng kinh phí trên 28,2 tỷ đồng; tổ chức tặng quà cho 69.050 người cao tuổi thuộc diện chúc thọ, mừng thọ, với tổng kinh phí khoảng 30,5 tỷ đồng; tham mưu tổ chức các Đoàn công tác do lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi, động viên, tặng quà mỗi huyện là 05 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, công dân tròn 100 tuổi. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch “Tết cho người nghèo”; “Tết Nhân ái”, trong đó tập trung huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà tết, hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội, v,v…Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, dự kiến cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm sẽ trao khoảng trên 500.000 suất quà, trị giá khoảng 400 tỷ đồng để tặng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách, các địa phương còn tích cực huy động các nguồn lực ngoài xã hội để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi... có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nội dung như: (1) Chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, đảm bảo sạch đẹp, tôn nghiêm, phục vụ tốt hoạt động thăm viếng của các cơ quan, đoàn thể và người dân; (2) Thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định; (3) Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ Lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng … tại địa phương; tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đảm bảo trang trọng, ý nghĩa; (iii) Tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, bão, lũ, sạt lở, người dân gặp khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, người lao động có hành cảnh khó khăn, bị mất việc làm...) để có phương án tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ lương thực kịp thời, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết; (4) Tăng cường công tác vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo; tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; bảo đảm cho tất cả trẻ em đều được đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, đặc biệt là các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Khuyến khích tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí mừng Đảng, mừng Xuân, các trò chơi dân gian an toàn, lành mạnh và phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em tại địa bàn dân cư, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và ngăn ngừa trẻ em tham gia vào các trò chơi mang tính bạo lực, các vụ việc gây rối trật tự công cộng và tệ nạn xã hội. Tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em và khắc phục, xử lý kịp thời những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em khi tham gia vui chơi trong dịp Tết./.
Vũ Thị Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội