Kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 3 tháng đầu năm 2024
Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành LĐTBXH trong quý I năm 2024 đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH; bám sát phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh theo Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024.
Những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo an sinh xã hội quý I năm 2024 đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nổi bật là: (i) Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi hết sức tích cực, tổng số lao động được tạo việc làm mới tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; (ii) Công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tuyển sinh cho khoảng 14.500 người, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; (iii) Công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực; cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã trao tặng 874.040 suất quà, trị giá trên 435,3 tỷ đồng[1] cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; (iv) Công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được tăng cường, số vụ tai nạn, thương tích trẻ em giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; (v) Công tác tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, tổng số đối tượng cai nghiện tiếp nhận mới giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước.
1. Về triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình công tác năm 2024 của UBND tỉnh
Căn cứ các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở LĐTBXH đã ban hành Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024[1]. Chương trình công tác xây dựng 13 chỉ tiêu và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao và các chỉ tiêu kế hoạch ngành năm 2024.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở LĐTBXH đã thường xuyên theo dõi, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực công tác của ngành để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tham gia đóng góp ý kiến kịp thời đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác lao động, người có công và xã hội.
Sở LĐTBXH đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý của ngành. Trong quý, đã tham mưu, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành gần 30 kế hoạch, quyết định cùng nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Nổi bật là, tham mưu UBND tỉnh đăng ký 02 nội dung[2] trình HĐND tỉnh khóa XVIII tại kỳ họp thứ 18; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) và Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 10/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nhìn chung, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở được đổi mới theo hướng bám sát nhiệm vụ, sát thực tiễn, kiểm tra thực chất hiệu quả từng nhiệm vụ cụ thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; thường xuyên sâu sát địa phương, cơ sở; tăng cường đối thoại, trả lời kiến nghị của Nhân dân, doanh nghiệp; chủ động cung cấp thông tin, giải quyết dứt điểm những vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý. Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở đã tham dự các hội nghị, cuộc họp do Bộ LĐTBXH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức đầy đủ, đúng thành phần, thời gian quy định. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò thành viên các Hội đồng và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo đúng nội dung quy chế làm việc.
2. Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
2.1. Về lĩnh vực lao động, việc làm
Trong quý, các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm được tăng cường; hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023 và quý I/2024; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Sau 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, 100% các doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc bình thường. Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi hết sức tích cực; nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động là rất lớn nhằm có thêm nguồn lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định từ phía doanh nghiệp. Sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đã có khoảng 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lao động cần tuyển là 25.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 70%.
Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 14.500 lao động, đạt 25% kế hoạch năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ; công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi là việc ở nước ngoài được chú trọng; toàn tỉnh đã đưa 1.720 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 28,7% kế hoạch năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Sở đã chỉ đạo tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố; trong quý, đã tổ chức 05 phiên giao dịch, ngày hội việc làm với 63 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 3.038 lượt người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, kết nối việc làm thành công cho 270 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề.
Thực hiện giới thiệu 30 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và doanh nghiệp tuyển lao động trong nước về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn. Chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn tiếp nhận đăng ký dự thi tiếng Hàn cho 10.497 người lao động[3], đồng thời, hoàn thiện hồ sơ nộp về Bộ LĐTBXH đảm bảo theo đúng quy định. Thực hiện cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 211 lao động nước ngoài[4] làm việc tại tỉnh; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép đối với 26 lao động nước ngoài. Tiếp nhận, thẩm định 61 lượt[5] nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thông báo làm thêm giờ, khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… của doanh nghiệp. Cấp lại giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với 01 doanh nghiệp.
Tiến hành khảo sát tình hình thực hiện chế độ tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024 tại 2.364 doanh nghiệp sử dụng 229.030 lao động, cụ thể: (1) Về tiền lương bình quân năm 2023: tại Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,8 triệu đồng/người/tháng; Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 8,3 triệu đồng/người/tháng; Doanh nghiệp dân doanh có mức tiền lương bình quân là 7,0 triệu đồng/người/tháng; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7,1 triệu đồng/người/tháng; (2) Về thưởng Tết: Hình thức thưởng Tết phổ biến của các doanh nghiệp là thưởng thêm một tháng lương không đóng bảo hiểm xã hội (tháng lương 13). Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cao nhất là 114,4 triệu đồng/người và thấp nhất là 40 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bình quân tại Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 6,0 triệu đồng/người; Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 7,1 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh 5,2 triệu đồng/người; Doanh nghiệp FDI là 3,7 triệu đồng/người.
Tình hình quan hệ lao động cơ bản duy trì ổn định, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không phát sinh tranh chấp lao động tập thể, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật. Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh chỉ để xảy ra duy nhất 01 vụ tai nạn lao động[6] tại nơi sản xuất làm chết 01 người.
Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong quý, đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 5.735 lao động, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; qua đó, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 02/2024, tổng số lao động tham gia BHXH là 488.339 người, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: số tham gia BHXH bắt buộc là 407.343 người, số tham gia BHXH tự nguyện là 80.996 người; tổng số lao động tham gia BHTN là 382.063 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên là 2.276/9.481 doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền nợ là 446,186 tỷ đồng, trong đó có 594 doanh nghiệp chậm đóng khó thu (phá sản, giải thể, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn v.v...) đã dừng tính lãi với số tiền chậm đóng là 131,051 tỷ đồng.
2.2. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN)
Hướng dẫn các trường trung cấp, trường cao đẳng đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường chỉ đạo các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2024; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Trong quý, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tuyển sinh khoảng 14.500 người, bằng 17,4% kế hoạch năm và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung về lĩnh vực GDNN thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Báo cáo đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các nội dung về GDNN thuộc 03 chương trình MTQG, cụ thể: (i) Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp trung ương giao năm 2021, năm 2022 và năm 2023 là 48.645 triệu đồng/91.432 triệu đồng, đạt 53,2%; (ii) Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: số vốn đã giải ngân là 49.149 triệu đồng/145.051 triệu đồng tổng vốn sự nghiệp được phân bổ, đạt 33,28%; (iii) Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: đã giải ngân 453 triệu đồng/950 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương, đạt 47,68%.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thẩm định, cấp 03 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN[7]; đồng thời, hướng dẫn, cho phép thành lập Hội đồng quản trị và công nhận chức danh Hiệu trưởng cho Trường Trung cấp Công nghệ xanh quốc tế.
2.3. Về lĩnh vực người có công
Chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan bưu điện cùng cấp triển khai thực hiện công tác chi trả trợ cấp kịp thời, đúng quy định đối với trên 200.000 lượt đối tượng chính sách người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện hơn 469,9 tỷ đồng. Tiếp tục quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định; trong quý, đã ban hành gần 1.300 văn bản, quyết định giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 188.262 lượt người có công với cách mạng và thân nhân với tổng kinh phí thực hiện trên 57 tỷ đồng (giảm 2.276 lượt đối tượng và giảm 686 triệu đồng so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), trong đó: 94.056 người được nhận quà của Chủ tịch nước với tổng kinh phí thực hiện 28,758 tỷ đồng; 94.206 người nhận quà của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 28,261 tỷ đồng.
Tổ chức Đoàn đi dâng hương, viếng các nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích, khu tưởng niệm tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Tham mưu cho các Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh tổ chức đi thăm, tặng quà cho 81 người có công với cách mạng và viếng nghĩa trang liệt sĩ tại 27 huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí thực hiện 183,6 triệu đồng. Ngoài ra, Sở đã gửi Thư chúc mừng năm mới đối với cán bộ, viên chức, người lao động và đối tượng chính sách người có công là người Thanh Hóa đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 05 Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh ngoài với tổng kinh phí thực hiện 38 triệu đồng.
2.4. Về lĩnh vực giảm nghèo và bảo trợ xã hội
a) Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững
Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Trong quý, Sở đã thực hiện tổng hợp, báo cáo Bộ LĐTBXH và UBND tỉnh kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, theo kết quả tổng hợp: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,47% (tương ứng giảm 14.573 hộ nghèo), từ 4,99% xuống còn 3,52% (tương ứng giảm từ 49.893 hộ nghèo xuống còn 35.320 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,32% (tương ứng giảm 13.118 hộ cận nghèo), từ 6,89% xuống còn 5,57% (tương ứng giảm từ 68.946 hộ cận nghèo xuống còn 55.828 hộ cận nghèo). Bên cạnh đó, đã tham mưu, trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024, theo đó giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 cho các huyện, thị xã, thành phố là 14.986 hộ, tương ứng giảm 1,5%/tổng số hộ tự nhiên.
Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo các bộ, ngành trung ương cho phép điều chuyển vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024 phân bổ cho xã Hải Hà sang cho xã Nghi Sơn và xã Ngư Lộc. Đánh giá thực trạng, xác định mức độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới lĩnh vực lao động, xã hội đối với huyện Hà Trung. Xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh phân bổ vốn sự nghiệp năm 2024 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.
b) Công tác bảo trợ xã hội
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với trên 192.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí thực hiện hằng tháng hơn 100 tỷ đồng. Hướng dẫn các địa phương tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với 69.047 người cao tuổi, tổng kinh phí thực hiện trên 31 tỷ đồng (tăng 1.047 người và tăng 3,0 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023); thăm, tặng vải lụa và trao Thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước cho 1.023 công dân tròn 100 tuổi với tổng kinh phí thực hiện gần 300 triệu đồng.
Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch xuất cấp kinh phí từ nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ lương thực cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, theo số liệu thống kê, các địa phương đã chủ động hỗ trợ trên 60,49 tấn gạo[8] cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và thời kỳ giáp hạt đầu năm 2024 cho người dân. Tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ 473,33 triệu đồng từ ngân sách tỉnh để mua gạo đảm bảo đời sống Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong thời kỳ giáp hạt năm 2024 cho huyện Quan Hóa.
Theo số liệu tổng hợp từ Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã thăm hỏi, tặng quà đối với 185.637 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 77,76 tỷ đồng; 97.863 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với tổng trị giá trên 36,38 tỷ đồng; 110.324 lượt người cao tuổi với tổng trị giá trên 44,1 tỷ đồng.
Phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện kết nối liên thông giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; đã thẩm định hồ sơ, chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận 07 đối tượng đủ điều kiện vào nuôi dưỡng tập trung.
2.5. Về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới
a) Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Phối hợp rà soát, lựa chọn các trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đề nghị tham gia Chương trình “Cặp lá yêu thương” năm 2024. Phối hợp trả lời 02 đơn thư của người dân phản ánh về vấn đề liên quan đến công tác trẻ em.
Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán đối với 1.106 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 07 huyện, 05 cơ sở trợ giúp xã hội, 05 cơ sở chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với tổng kinh phí thực hiện gần 640 triệu đồng (tăng 185 trẻ và tăng 109 triệu đồng so với năm 2023). Tính đến ngày 07/3/2024, trên địa bàn tỉnh đã để xảy ra 04 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với 06 trẻ em[9] (giảm 03 vụ tai nạn, thương tích và giảm 02 trẻ tử vong so với cùng kỳ năm trước). Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể có liên quan kịp thời đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
b) Công tác bình đẳng giới
Các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới tại cộng đồng tiếp tục phát huy tác dụng. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tích cực thực hiện. Sở đã tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham gia giảng bài tại Hội nghị tuyên truyền thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”. Tổ chức 02 Hội thi “Phụ Nữ với kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và kiểm soát trầm cảm năm 2024” với sự tham gia của 120 người. Thực hiện kết nối, hỗ trợ cho 02 đối tượng là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới đến tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương (mô hình OSSC hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới).
2.6. Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội
Tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn tỉnh năm 2024; kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2024 và quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường năm 2024; chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong quý, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 51 người, giảm 58 người so với cùng kỳ năm trước; tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 193 đối tượng hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý 879 đối tượng[10]; Cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội và Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 đang tổ chức điều trị được cho 88 bệnh nhân.
2.7. Thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của ngành
Hoạt động tiếp công dân được Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Lãnh đạo Sở và cán bộ tiếp công dân đã tiếp 275 lượt công dân tại Bộ phận Tiếp công dân của Sở. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời 89 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, không có đơn thư tồn đọng, không có vụ việc khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chính sách về các lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, tiền lương, GDNN, ATVSLĐ, BHXH... Trong quý, đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội tại 09 doanh nghiệp; qua thanh tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 02 doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt 30 triệu đồng; xử lý vi phạm hành chính 02 người lao động vi phạm quy định về bảo hiểm thất nghiệp với số tiền xử phạt 3,0 triệu đồng; kiến nghị thu hồi số tiền thanh toán chế độ ốm đau, thai sản chưa đúng quy định hơn 12,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã tiến hành điều tra 03 vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023.
2.8. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Sở đã kịp thời cập nhật các quy định mới của pháp luật, các Quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ LĐTBXH mới ban hành để trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố danh mục TTHC kịp thời theo quy định. Trong quý, đã tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 04 Quyết định công bố TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đến nay, 100% hồ sơ giải quyết TTHC của Sở LĐTBXH đã được công khai tiến độ, kết quả giải quyết trên Trang thông tin điện tử của Sở; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTBXH được niêm yết công khai rõ ràng, đúng quy định tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả của các đơn vị trực thuộc Sở, trên Trang thông tin điện tử và trên hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công Quốc gia. Từ đầu năm tới nay, đã thực hiện tiếp nhận 64.635 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC, trong đó đã giải quyết đúng và trước hạn đối với 63.312 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,95%.
Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Đến nay số đối tượng đã có tài khoản/đăng ký chi trả qua tài khoản là 19.851 người; thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là 10.586 người.
[1] Quyết định số 244/QĐ-SLĐTBXH ngày 15/01/2023 của Sở LĐTBXH về việc ban hành Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024.
[2] Gồm: (i) Đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn thêm đối với một số nhóm đối tượng đang chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị do Sở LĐTBXH quản lý; (ii) Đề nghị quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trường Cao đẳng Công Nghiệp Thanh Hóa.
[3] Trong đó: ngành sản xuất chế tạo là 8.554 lao động; ngư nghiệp là 1.082 lao động; nông nghiệp là 799 lao động; xây dựng là 62 lao động.
[4] Gồm: cấp mới giấy phép cho 97 lao động nước ngoài; cấp lại cho 24 lao động nước ngoài; gia hạn giấy phép cho 90 lao động nước ngoài.
[5] Gồm: 14 nội quy lao động, 11 thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp; 21 khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; 15 thông báo làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
[6] Tại Trường Tiểu học Thành Yên, huyện Thạch Thành xảy ra tai nạn lao động làm 01 người chết (người lao động thuộc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Thương mại Long Phú, xã Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
[7] Gồm: Công ty Cổ phần đầu tư Thuận An DMC; Công ty CP Dạ Lan; Trường Trung cấp Công nghệ xanh quốc tế.
[8] Gồm: Huyện Mường Lát: 1,23 tấn; Thường Xuân: 1,95 tấn; Thiệu Hóa: 2,76 tấn; thị xã Nghi Sơn 42,72 tấn…
[9] Trong đó: có 02 vụ tai nạn giao thông gây tử vong 03 trẻ em; 02 vụ tai nạn, thương tích khác gây tử vong 03 trẻ em.
[10] Gồm: Cai nghiện bắt buộc là 852 học viên; Cai nghiện tự nguyện là 22 học viên; 05 học viên gửi.
[1] Toàn tỉnh đã có 234.341 lượt đối tượng người có công với cách mạng được tặng quà Tết với tổng trị giá trên 73,55 tỷ đồng; 185.637 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà Tết với tổng trị giá trên 77,76 tỷ đồng; 97.863 lượt đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà Tết với tổng trị giá trên 36,38 tỷ đồng; 110.324 lượt người cao tuổi được chúc thọ và tặng quà Tết với tổng trị giá trên 44,1 tỷ đồng; 74.775 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo… đã được thăm hỏi, tặng quà Tết với tổng trị giá trên 29,47 tỷ đồng; 171.100 lượt người lao động được tặng quà Tết với tổng trị giá trên 174 tỷ đồng.
Lê Thị Hằng, Chánh Văn phòng Sở