Những kết quả nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024

Trong năm 2024, ngành LĐTBXH thực hiện nhiệm vụ công tác trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đã tác động ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân, nhất người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế. Trước yêu cầu nhiệm vụ của ngành đặt ra, căn cứ các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2024; với phương châm hành động: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, toàn ngành LĐTBXH đã tập trung triển khai thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chương trình công tác lao động, người có công và xã hội; đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 03/03 chỉ tiêu được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao và 13/13 chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra. Kết quả nổi bật:

1. Thường xuyên chỉ đạo, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực công tác của ngành để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của ngành. Đồng thời, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tham gia đóng góp ý kiến kịp thời đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác lao động, người có công và xã hội. Sở LĐTBXH đã tham mưu, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành gần 30 kế hoạch và 60 quyết định cùng nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Nổi bật là, đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 03 kế hoạch; trình HĐND tỉnh ban hành 07 Nghị quyết đảm bảo nội dung, thời hạn theo quy định. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả các Quy chế phối hợp giữa Sở LĐTBXH và các sở, ban ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024.

2. Về lĩnh vực lao động, việc làm

Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động cho doanh nghiệp và người lao động: tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm, kết nối việc làm thành công cho 1.700 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề; cung cấp thông tin thị trường lao động và các chính sách liên quan cho khoảng 197.000 lượt người; giới thiệu 70 doanh nghiệp tuyển lao động trong nước và xuất khẩu lao động về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn giúp bổ sung kịp thời nguồn lực lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; hỗ trợ cho trên 11.130 dự án vay vốn giải quyết việc làm giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 11.200 động; thực hiện chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 24.136 lao động, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước (số lượng lao động quay lại thị trường lao động tăng so với năm 2023 và trở lại bình thường như trước thời kỳ Covid) v.v

Toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 62.350 người lao động, vượt 7,5% kế hoạch năm và đạt 99,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đã đưa 13.820 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt gấp 2,3 lần kế hoạch năm và đạt 91,35% so với cùng kỳ năm 2023. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đứng đầu cả nước (chiếm gần 1/10 lao động đi làm việc ở nước ngoài của các nước). Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 40.000 lao động. Hằng năm số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc tại nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 343 triệu USD đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình có con, em đi làm việc ở nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại v.v… giải quyết thêm nhiều chỗ việc làm mới. Góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65% vào cuối năm 2024, giảm 0,15% so với năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cũng được kéo giảm xuống còn 5,65%, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm 2023.

Cơ cấu lao động của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa. Đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động trong nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm 0,26% so với năm 2023, xuống còn 30,3%. Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động tiếp tục được triển khai đồng bộ, nên tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định.

3. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, tập trung chỉ đạo các cơ sở GDNN đã tích cực phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững, theo mô hình “học tại trường - làm tại doanh nghiệp”. Trong năm, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 83.380 người([1]), đạt 100% kế hoạch đề ra và tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 12.185 người. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tỷ lệ có việc làm bình quân đạt 90%, trong đó có những ngành, nghề đạt 100% như: Hàn; Điện - Điện lạnh; May công nghiệp; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn v.v... Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, tăng 0,88% so với năm 2023, trong đó 29,5% có bằng cấp, chứng chỉ, tăng 1,7%.

3. Về lĩnh vực người có công

Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng đảm bảo đầy đủ, kịp thời; đã thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho 793.500 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện trên 1.850 tỷ đồng. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tiếp nhận và an táng 15 hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm, huyện Bá Thước. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình trong các dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Đến nay, toàn tỉnh có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.

5. Thực hiện chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội

- Thực hiện chính sách giảm nghèo: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đơn vị tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức các hội nghị giao ban với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ước tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% từ 3,52% (cuối năm 2023) xuống còn 2,02% (cuối năm 2024), còn 20.660 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,0%; từ 5,57% xuống còn 4,57%, còn 45.878 hộ cận nghèo. Trong giai đoạn 2022-2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 1,58%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra.

Chủ động tham mưu rà soát, đề xuất các tiêu chí các đối tượng về thực hiện Cuộc vận động “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh”. Tổng số hộ được hộ được hỗ trợ về nhà ở trong 02 năm 2024-2025 là 15.438 hộ (trong đó: 10.750 hộ đề nghị xây mới, 4.688 hộ đề nghị sửa chữa). Đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tổng kinh phí 241,6 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa 2.263 căn nhà cho các hộ gia đình, đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tinh thần tương thân tương ái, không để một ai bị bỏ lại phía sau.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả, đến nay, các địa phương đã giải ngân vốn đầu tư phát triển được khoảng 70,3% so với tổng số đã giao chi tiết; vốn sự nghiệp, đã giải ngân được khoảng 44% so với tổng số vốn được giao chi tiết. Có 83 dự án đầu tư phát triển, trên 600 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống của nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, thiết thực được triển khai, nhân rộng([2]).

- Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội: Chỉ đạo tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với 187.646 đối tượng với kinh phí thực hiện hằng tháng hơn 140 tỷ đồng; tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ về tiền ăn thêm hằng tháng và những ngày lễ, tết cho đối với một số nhóm đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị do Sở LĐTBXH quản lý ([3]); thường xuyên nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân trong các đợt thiên tai, dịch bệnh, thời kỳ giáp hạt, dịp tết Nguyên đán để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời cho người dân([4]). Tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh đi thăm, chúc thọ, trao Thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước cho công dân tròn 100 tuổi và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho NCT đảm bảo trang trọng, ý nghĩa([5]). Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương vận động các nguồn lực để tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn([6]). Tăng cường, công tác kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đúng theo quy định([7]), góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

6. Về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác bình đẳng giới

- Về bảo vệ, chăm sóc trẻ em: tích cực phối hợp tham mưu ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác chăm lo xây dựng, củng cố môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được quan tâm chú trọng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức như: xây dựng phóng sự; tin, bài trên các báo, đài, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; duy trì và triển khai thực hiện 05 mô hình bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 953.626 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 25,77% dân số toàn tỉnh, trong đó có 13.438 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,4% trên tổng số trẻ em và 134.347 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 14,1%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau đạt 95%; 100% trẻ em bị xâm hại được trợ giúp, can thiệp kịp thời bằng các hình thức phù hợp; 100% gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích được hỗ trợ mai táng, thăm hỏi, động viên.

- Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ: Các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới tại cộng đồng tiếp tục phát huy hiệu quả. Sở đã duy trì và triển khai các mô hình thực hành thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên toàn tỉnh. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tích cực thực hiện. Kết quả đến nay, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, 20 chỉ tiêu thuộc 06 nhóm mục tiêu theo định hướng của Chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện đảm bảo lộ trình và kế hoạch đề ra.

7. Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên và nhóm những người có nguy cơ cao([8]). Chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý người nghiện ma tuý tại cộng đồng; thực hiện tốt việc quản lý, chữa trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 1.366 người, vượt 42,2% kế hoạch năm và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 367 đối tượng hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở đang quản lý 1.021 đối tượng. Tổ chức kiểm tra tại 261 cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh[9]. Qua kiểm tra, đã phát hin 02 cơ sở vi phạm về công tác an ninh trật tự, tiến hành lập biên bản để xử lý vi phạệm hành chính, nộp vào kho bạc nhà nước 45 triệu đồng. Ngoài ra, tham gia Đoàn kiểm tra giám sát về Luật phòng, chống mua bán người tại 02 huyện; đến nay, trên địa bàn tỉnh không có nạn nhân bị mua bán.

8. Về thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn, thư và tiếp công dân: Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024; chỉ đạo Thanh tra Sở thực hiện tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đề ra([10]). Trong năm 2024, Lãnh đạo Sở và cán bộ tiếp công dân đã tiếp 1.347 lượt công dân tại Bộ phận Tiếp công dân của Sở; tham dự đầy đủ các buổi tiếp công dân định kỳ cùng với lãnh đạo tỉnh để giải quyết các kiến nghị, phản ánh kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho công dân. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời 340 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, không có đơn thư tồn đọng, không có vụ việc khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

9. Về cung cấp các dịch vụ công theo chức năng quản lý của Sở: Sở LĐTBXH có 12 đơn vị trực thuộc, gồm: 04 cơ sở trợ giúp xã hội, 02 cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công; 02 cơ sở cai nghiện ma túy; 02 Trường TCN; 01 Trung tâm Dịch vụ việc làm và 01 Quỹ Bảo trợ trẻ em. Hiện nay, các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho trên 2.000 đối tượng; các cơ sở dạy nghề trực thuộc Sở đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.500 học sinh; Quỹ Bảo trợ trẻ em thực hiện tốt công tác vận động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh ([11]).

 

[1] Trong đó: (1) Đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở GDNN là 48.200 người (trình độ cao đẳng: 3.600 người, trình độ trung cấp: 9.200 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng: 35.400 người); (2) Kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề 35.180 người.

[2] Mô hình: Dư án hỗ trợ liên kết chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm gà lai chọi tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa; Dự án liên kết Nuôi vịt bầu bản địa tại Trí Nang, Lang Chánh; Dự án liên kết nuôi cá lồng tại xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn; Dự án Bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu dong riềng kết hợp chế biến miến dong Thuận Tâm tại xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy; Dự án liên kết chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm tại Bá Thước, vv....

[3]. Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn thêm đối với một số nhóm đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

[4]. Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí 473,33 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 31,44 tấn gạo trợ giúp xã hội đảm bảo đời sống Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong thời kỳ giáp hạt năm 2024

[5]. Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đã hướng dẫn các địa phương tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với 69.047 người cao tuổi với tổng kinh phí thực hiện trên 31 tỷ đồng; thăm, tặng vải lụa và trao Thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước cho 1.023 công dân tròn 100 tuổi với tổng kinh phí gần 300 triệu đồngcó hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện 381,85 tỷ đồng, tăng 133.364 suất quà, tương đương tăng 116,29 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022

[6]. Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà đối với 185.637 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 77,76 tỷ đồng; 97.863 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với tổng trị giá trên 36,38 tỷ đồng; 110.324 lượt người cao tuổi với tổng trị giá trên 44,1 tỷ đồng.

[7]. Trong năm 2024 đã kiểm tra giám sát tại 06 đơn vị: Huyện Yên Định, huyện Cẩm Thủy, huyện Triệu Sơn, huyện Quảng Xương, Trung tâm BTXH số 2 và Trung tâm Chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT, NRNTR khu vuejc Miền núi Thanh Hóa.

[8]. Tổ chức 45 lớp truyền thông, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, mua bán người cho 2.900 lượt người; tổ chức 12 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội dưới hình thức sân khấu hóa, thu hút hơn 5.800 lượt học sinh, học viên, giáo viên, giảng viên tham gia. Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn cũng đã tổ chức 578 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội.

[9]. Trong đó: Số cơ sở vi phạm vi phạm hành chính là 04 cơ sở; số cơ sở đang tạm dừng hoạt động là 05 cơ sở; số cơ sở bị xử phạt là 04 cơ sở; số tiền nộp vào kho bạc Nhà nước là 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng) do lỗi vi phạm kinh doanh dịch vụ lưu trú hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

[10]. Trong năm, đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội tại 47 doanh nghiệp; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại 02 huyện; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại huyện Hoằng Hóa; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại 04 huyện, thành phố; tiến hành điều tra 18 vụ tai nạn lao động xảy ra từ năm 2022 tới nay

[11]. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã kêu gọi, vận động được số kinh phí hơn 4.477 triệu đồng, đạt, vượt 179% kế hoạch giao; với nguồn lực huy động được, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa cho hơn 7.587 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Lê Thị Hằng, Chánh Văn phòng Sở