Về tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa và đề xuất, hợp tác lao động với các nhà đầu tư Hàn Quốc

Tinh Thanh Hoá có diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số 3,74 triệu người; đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; có 27 huyện, thị xã, thành phố (2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện), 558 xã, phường, thị trấn. Riêng khu vực miền núi có 11 huyện, trong đó còn 6 huyện nghèo, 16 xã biên giới, trên 710.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế có 2,071 triệu người, chiếm 55,4% dân số của tỉnh, lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 31,1%.

Trong những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhất là qua đào tạo nghề với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển (toàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 11 trường cao đẳng; 15 trường trung cấp; 31 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 09 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Thanh Hóa đạt 73,12%; trong đó tỷ lệ có bằng cấp chứng chỉ đạt 27,94%. Lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề chiếm khoảng 60%; trong đó, có khoảng 05% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia đi làm việc ở nước ngoài.  

Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 40.000 lao động (chiếm gần 1/10 lao động đi làm việc ở nước ngoài của các nước). Tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan (14.000 lao động), Nhật Bản (13.000 lao động), Hàn Quốc (8.000 lao động); còn lại là các nước khác...

Năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa được 15.129 người lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 302,6% mục tiêu kế hoạch đề ra); trong đó: Nhật Bản 6.989 lao động; Đài Loan 5.155 lao động; Hàn Quốc 2.227 lao động; còn lại đi các thị trường khác…

Thị trường Hàn Quốc cùng với thị trường Nhật Bản và Đài Loan là các thị trường trọng điểm, truyền thống, luôn tiếp nhận lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hàn Quốc luôn được người lao động Thanh Hóa ưu thích, ưu tiên lựa chọn do có điều kiện làm việc tốt, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, thu nhập cao, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ Hàn Quốc về bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Lao động Thanh Hóa được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao về tính cần cù, chăm chỉ, khéo léo, học hỏi và tiếp thu tay nghề nhanh. Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức, kỷ luật nên khi về nước có cơ hội việc làm và tự tạo việc làm tốt hơn; nhiều người lao động sau khi đi làm việc tại Hàn Quốc về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại hoặc làm việc cho các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay số lượng người lao động Thanh Hóa đi làm việc tại Hàn Quốc chủ yếu thông qua 3 chương trình chính là: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS - visa E9); Chương trình lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại Hàn Quốc (visa E7);  chương trình đi làm việc thời vụ trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc (visa E8). Lao động Thanh Hóa đi làm việc tại Hàn Quốc nhiều nhất vẫn là theo Chương trình EPS visa E9; tổng số lao động Thanh Hóa xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ khi bắt đầu chương trình (năm 2004) đến nay là gần 15.000 người. Bình quân mỗi năm tỉnh Thanh Hóa có trên 5.000 người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS và tỷ lệ thi đỗ kỳ thi tiếng Hàn tương đối cao (chiếm 70% cả nước).

Tại Hội nghị ngày hôm nay, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Thứ nhất, Chúng tôi luôn mong muốn được sự hợp tác lâu dài về lĩnh vực cung ứng nguồn nhân lực với Hàn Quốc và nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, đối tác Hàn Quốc trong việc đào tạo tay nghề, ngoại ngữ… để đưa lao động Thanh Hóa sang Hàn Quốc làm việc.

Thứ hai, Mong muốn phía Chính phủ Hàn Quốc tạo thêm nhiều cơ hội ký kết, tăng thêm chỉ tiêu, số lượng, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam nói chung, lao động tỉnh Thanh Hóa nói riêng; nhất là Chương EPS theo visa E9; ngoài ra, cần có những chính sách ưu tiên cho việc thu hút lao động kỹ thuật cao từ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo visa E7.

Thứ ba, đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư, thu hút thêm lao động vào làm việc, đặc biệt là các lao động Thanh Hóa đã đi làm việc tại Hàn Quốc, hết hạn hợp đồng về nước.

Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở