Tiềm năng, lợi thế trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong công tác giáo dục nghề nghiệp của Tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với trên 3,7 triệu người; dân số trong độ tuổi lao động trên 2,2 triệu người. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là trên 2,07 triệu người: trong đó, lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp là 632,9 nghìn người (chiếm 30,56%); trong ngành Công nghiệp - xây dựng là 861,5 nghìn người (chiếm 41,6%), trong ngành Dịch vụ là 576,6 nghìn người chiếm 27,84%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,8%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 5,8%. Hằng năm, Thanh Hóa có khoảng 60.000 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm.

 Trong những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng lên, nhất là qua đào tạo nghề, với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN-GDTX, 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 09 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được giao sử dụng trên 1 triệu m2 đất đảm bảo diện tích đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề; với trên 1.675 nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó: trình độ tiến sỹ 21 người (1,25%); thạc sỹ 375 người (22,38%); đại học 882 người (52,65%), cao đẳng 155 người (9,25%); trung cấp và trình độ khác 242 người (14,44%).

 Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh, đào tạo 35 ngành, nghề trình độ cao đẳng, 49 ngành nghề trình độ trung cấp, trên 100 nghề trình độ sơ cấp, tập trung nhóm ngành, nghề: Điện - Điện tử - Điện lạnh; Cơ khí; Công nghệ thông tin; Nhà hàng - khách sạn; May thời trang v.v...

Trong đó: có 15 ngành, nghề chất lượng cao, gồm: 01 nghề trình độ quốc tế (Công nghệ thông tin - Ứng dụng phần mềm); 03 nghề trình độ khu vực ASEAN (Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Hàn) và 11 nghề trình độ cấp quốc gia (nghề: Điện lạnh; Điện công nghiệp; Điều dưỡng; Dược; May thời trang; Hàn; Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh; Kỹ thuật chế biến món ăn; Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; Công nghệ ô tô) cho 09 trường cao đẳng, trung cấp công lập trực thuộc tỉnh.

 Giai đoạn 2020-2024 (tháng 10/2024), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo khoảng 452.000 người, trong đó trình độ cao đẳng 16.004 người, trình độ trung cấp 46.074 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 389.367 người. Tổng số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau đào tạo là 31.295 người (Cao đẳng 2.457 người, Trung cấp 7.799 người, Sơ cấp 10.512 người, đào tạo dưới 3 tháng 10.527 người), trong đó doanh nghiệp trong tỉnh là 23.688 (chiếm tỷ lệ 76%), doanh nghiệp ngoài tỉnh 7.607 (chiếm tỷ lệ 24%).

 Các nhóm ngành, nghề liên kết đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tập trung vào nhóm ngành, nghề: Điện công nghiệp, Điện lạnh, Công nghệ ô tô, Hàn, Tiện, Cắt gọt kim loại; May công nghiệp; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn v.v…

 Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74% (cuối năm 2024), tăng 0,88% so với năm 2023, trong đó 29,5% có bằng cấp, chứng chỉ, tăng 1,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề học sinh, sinh viên ra trường có việc làm 100% như: nghề Hàn; nghề May thời trang; nghề Điện công nghiệp...

 Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, như: cử giáo viên đi đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài hoặc phối hợp đưa học sinh, sinh viên đi thực tập sinh tại một số thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan; Hàn quốc v.v…

 Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 40.000 lao động (chiếm gần 1/10 lao động đi làm việc ở nước ngoài của các nước). Tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan (15.000 lao động), Nhật Bản (14.000 lao động), Hàn Quốc (8.000 lao động); còn lại là các nước khác.... Sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về nước, số lao động này đã có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Đây là lực lượng lao động lành nghề sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Thanh Hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực còn gặp nhiều khó khăn, như:

- Trang thiết bị đào tạo chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế trong quá trình thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên; kỹ năng nghề của đội ngũ nhà giáo còn hạn chế; công tác phối hợp xây dựng chương trình đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được thường xuyên dẫn đến việc đào tạo chưa gắn với thực tiễn sản xuất.

- Một số mã ngành nghề mới hiện nay gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và liên quan đến đến dự án điện gió, như: nghề logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hàng hải, quản lý năng lượng, năng lượng tái tạo, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật môi trường, chíp bán dẫn v.v… gặp khó khăn về đội ngũ nhà giáo, trang thiết bị đào tạo, chương trình đào tạo v.v….

* Về tiềm năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực

- Hợp tác cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề: Hiện nay, các trường trên địa bàn tỉnh ngoài việc hợp tác với phía Bạn về địa điểm đào tạo - phòng học (nếu phía bạn có nhu cầu), thì các trường đang đào tạo một số chuyên ngành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ sơ cấp liên quan đến lĩnh vực điện gió và cũng có thể phối hợp cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề để hỗ trợ các dự án, như: nghề điện - điện tử, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng, điều khiển tàu biển v.v…; và hướng tới đang đăng ký một số ngành nghề mới có liên quan đến dự án điện gió, như nghề logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hàng hải, quản lý năng lượng, năng lượng tái tạo, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật môi trường...

- Về đầu tư thành lập trung tâm đào tạo nghề: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, theo đó: giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 sẽ kêu gọi đầu tư thành lập trung tâm đào tạo nghề có vốn đầu tư trong nước hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, nếu phía Bạn có kế hoạch đầu tư thành lập 01 trung tâm đào tạo nghề thì hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tỉnh hiện nay.1

(- Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và các nghị định của Việt Nam, thì điệu kiện thành lập trung tâm đào tạo nghề: (1) Phù hợp với quy hoạch; (2) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; (3) Có địa điểm xây dựng trung tâm  diện tích đất tối thiểu thành lập trung tâm là : 1.000 m2; (4) Vốn đầu tư: 5 tỷ đồng Việt Nam không bao gồm giá trị về đất đai;

- Trình tự , thủ tục thành lập: Sau khi hoàn thiện các nội dung nêu trên; phái Bạn sẽ gửi Hồ sơ cho phép thành lập trung tâm về Sở Lao động - TBXH để thẩm định thông qua Hội đồng thẩm định; nếu đạt yêu cầu, thì Sở Lao động -TBXH trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định  chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp).

 Để công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với Đoàn công tác Tiểu bang Thuringen, Saale Orla Kreis và Tập đoàn GEO, CHLB Đức như sau:

(1) Giới thiệu về chương trình học tập, làm việc tại phía Bạn để giúp các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đầy đủ thông tin để tư vấn cho người lao động, học sinh, sinh viên biết có thể lựa chọn, đưa ra quyết định đi học tập, làm việc.

(2) Trong quá trình hợp tác với các trường của tỉnh Thanh Hóa (nếu có) đề nghị hỗ trợ về chương trình đào tạo, đội ngũ chuyên gia, hỗ trợ thành lập trung tâm đào tạo tiếng Đức tại các trường để thuận lợi trong quá trình đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu làm việc tại Đức; đồng thời, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo được đi học tập kinh nghiệm tại Đức.

Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở