Chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Nhằm phát huy sức mạnh công nghệ số, làm thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn chiến lược; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, giúp hoạt động của cơ quan, đơn vị ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được tốt hơn; cải thiện dịch vụ công, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Sở LĐTBXH đã ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án về chuyển đổi số trong hoạt động của ngành LĐTBXH, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đạt kết quả nổi bật như sau:
Ngành LĐTBXH đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành (hệ thống phần mềm tra cứu hồ sơ trực tuyến người có công; CSDL hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; CSDL cung, cầu lao động; CSDL tài chính, trợ cấp ưu đãi người có công...) và thực hiện kết nối với CSDL quốc gia; quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giao dịch điện tử, chữ ký số và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của ngành; tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên các phần mềm quản lý chuyên dụng. 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Sở LĐTBXH có 92 TTHC toàn trình có 68 TTHC một phần. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở LĐTBXH đã thực hiện tiếp nhận 120.556 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân, kết quả: Đã có 117.749 hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn, đạt tỷ lệ 97,7%; đang giải quyết 2.807 hồ sơ trong hạn và không có hồ sơ quá hạn.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy CĐS trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt và hướng dẫn của Bộ LĐTBXH về chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch([1]) chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, làm chuyển biến ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06 đối với đời sống xã hội, góp phần phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, chủ động phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với ban, ngành liên quan trong việc làm sạch dữ liệu ASXH, với mục tiêu bảo đảm 100% người dân thuộc diện hưởng chính sách ASXH được cập nhật đầy đủ thông tin phục vụ mở tài khoản. Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp, hướng dẫn mở tài khoản ATM cho người dân. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương đã thành lập các tổ công tác xuống tận các thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân mở tài khoản chi trả ưu đãi ASXH, qua đó góp phần bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, tránh tình trạng nhầm lẫn, sai sót.
(Hỗ trợ người dân mở tài khoản chi trả trợ cấp an sinh xã hội; Nguồn ảnh từ: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa)
Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp, tính đến tháng 8/2024, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rà soát, thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt đối với 227.080/253.582 đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, số đối tượng đã có tài khoản/đăng ký chi trả qua tài khoản 29.698 người (21.219 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 8.479 đối tượng hưởng chính sách người có công), số đối tượng đã có tài khoản và mong muốn được chi trả qua tài khoản là: 18.175 người (12.992 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 5.183 đối tượng hưởng chính sách người có công).
Đồng thời đã chuẩn hóa, làm sạch và cập nhật thông tin trên phần mềm hệ thống thông tin, dữ liệu: 187.893/187.893 đối tượng bảo trợ xã hội (đạt tỷ lệ 100%) và 947.613/953.626 trẻ em (đạt 99,36%); rà soát, đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 63.005/64.316 người có công, đạt tỷ lệ 97,96%, số còn lại 1.311 người đang thực hiện rà soát; đối soát sửa đổi, bổ sung dữ liệu hộ nghèo hộ cận nghèo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 35.320 hộ nghèo và 55.797 hộ cận nghèo theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ LĐTBXH. Đến nay, cũng đã có trên 330.000 hồ sơ người có công (đạt 100%) được số hóa phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công được thuận tiện, dễ dàng so với trích lục hồ sơ giấy.
(Người lao động đến giao dịch, giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa)
Thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến; triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công, áp dụng các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”, dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” trong nhóm dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06.
Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, nhưng thực tế công tác chuyển đổi số trong thực hiện chính sách ASXH thời gian qua vẫn còn có những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là về cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, đường truyền thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc đăng nhập, xử lý. Thiết bị máy tính ở các xã, phường, thị trấn được sử dụng tích hợp cùng lúc, nhiều phần mềm quản lý thông tin trong khi cấu hình công nghệ chưa bảo đảm yêu cầu dẫn đến bị chậm tiến độ cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu. Kết quả thực hiện dịch vụ công giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh còn thấp so với hồ sơ đề nghị trực tiếp.
Bên cạnh đó, các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế... gặp khó khăn trong việc trang bị, sử dụng điện thoại thông minh để làm công cụ giao dịch. Một số đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần, trẻ em cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân (người trực tiếp nuôi dưỡng) có thể đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền. Hệ thống ngân hàng thương mại tại các địa phương chưa phát triển đồng bộ, chủ yếu là tập trung tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp dẫn tới việc di chuyển từ nơi cư trú của các đối tượng người có công, người hưởng chính sách ASXH đến địa điểm rút tiền tại các cây ATM của ngân hàng có khoảng cách khá xa.
Trước yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn trong hoạt động chuyển đổi số về thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; để người dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, hiệu quả nhất và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH đạt hiệu quả cao, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần phải thường xuyên quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Một là, ngành LĐTBXH tiếp tục tăng cường quán triệt, tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các TTHC đảm bảo khoa học, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.
Hai là, Sở LĐTBXH chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH và Đề án 06 tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng trợ cấp ASXH mở tài khoản ASXH và sử dụng tài khoản để thanh toán chứ không dùng tiền mặt. Tiếp tục triển khai sử dụng có hiệu quả các nền tảng, công nghệ số, số hóa, đặc biệt các hệ thống phần mềm quản lý đối tượng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt như tiếp tục rà soát, đối chiếu thông tin và cấp tài khoản cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo.
Ba là, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản, thực hiện chi trả trợ cấp qua tài khoản cho 100% đối tượng người có công, bảo trợ xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, tài khoản Mobile Money) từ ngân sách nhà nước. Chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục khuyến khích người hưởng chính sách ASXH khi mở thẻ ATM, như miễn giảm các loại phí liên quan đến mở, rút và duy trì tài khoản; đầu tư phát triển hạ tầng, lắp đặt thêm các cây ATM tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng đến rút tiền.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp lực lượng công an tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa với Công an tỉnh và cơ quan liên quan, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán; đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và phòng chống có hiệu quả tội phạm trên không gian mạng. Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện cơ sở dữ liệu về ASXH, số hóa dữ liệu người có công, đối tượng chính sách, xã hội./.
[1] Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 06/6/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Đ/c Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở LĐTXBH