Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Học viên học nghề điện công nghiệp tại Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn.
Chú trọng ngành nghề trọng điểm
Thời gian qua công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là ngành chức năng, triển khai thực hiện. Quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trình độ giảng viên, giáo viên từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác kiểm định chất lượng GDNN được các trường cao đẳng, trung cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nhiều cơ sở GDNN đã thực sự coi trọng chất lượng đào tạo, từng bước phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Kết quả, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN công lập nhằm giảm sự trùng lắp về ngành, nghề đào tạo; giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Sau khi sắp xếp, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 66 cơ sở GDNN (giảm 45 cơ sở GDNN so với năm 2015), gồm: 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN-GDTX, 7 trung tâm GDNN và 9 cơ sở đào tạo nghề nghiệp khác. Các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp; mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao, cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tổng số nhà giáo GDNN hiện nay là 1.801 người, trong đó: tiến sĩ 21 người (chiếm 1,17%); thạc sĩ 372 người (chiếm 20,66%); đại học 894 người (chiếm 49,64%), cao đẳng 176 người (chiếm 9,77%); trung cấp và trình độ khác 338 người (chiếm 18,76%). Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cơ bản được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và chương trình đào tạo; một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0...
Đặc biệt, các ngành, nghề trọng điểm được lựa chọn và đầu tư đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 tỉnh đã lựa chọn 11 trường cao đẳng, trung cấp công lập báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư 16 ngành, nghề trọng điểm (trong đó có 1 nghề cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ ASEAN và 15 nghề cấp độ quốc gia), gồm các nghề thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng cao như hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may thời trang, công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn nhà hàng, dược, điều dưỡng...
Cùng với đó, các cơ sở GDNN đã quan tâm và chú trọng thực hiện các hoạt động kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Hầu hết các cơ sở GDNN đã liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Bằng nhiều hình thức như phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề... Thực hiện ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Tập đoàn Sun Group với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; ký hợp tác với Tập Đoàn JHL Việt Nam thực hiện “Dự án 30.000 lao động chất lượng cao”.
Giai đoạn 2013-2022, các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề khoảng 760 nghìn người. Lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp; trên 80% người học có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%. Nhìn chung, chất lượng lao động qua đào tạo nghề nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm như hàn, may thời trang, điện công nghiệp...
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát triển GDNN là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và của toàn xã hội; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. GDNN có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Đây là quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thể hiện trong Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 5/7/2023 về thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Kế hoạch số 146-KH/TU).
Học viên tham gia lớp thực hành thú y cơ bản tại Trường Trung cấp Nghề miền núi Thanh Hóa.
Theo đó, với mục tiêu, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng GDNN, bảo đảm quy mô, cơ cấu, trình độ, ngành nghề đào tạo hợp lý, gắn với chuẩn đầu ra, theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng nhu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển GDNN, tạo chuyển biến mạnh mẽ và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, nhất là nguồn nhân lực cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cung cấp nhân lực chất lượng cao, lao động ngành nghề cho các địa phương trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% nhà giáo đạt chuẩn; 2 trường cao đẳng công lập thuộc tỉnh quản lý nằm trong nhóm 90 trường chất lượng cao của cả nước, trong đó 1 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Tầm nhìn đến năm 2045 hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của các nước phát triển; trở thành tỉnh có chất lượng GDNN trong nhóm dẫn đầu cả nước, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trịnh Thị Minh Hường, cho biết: Xác định phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng GDNN; tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và tố chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cần phát triển các cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ GDNN theo nhu cầu; chú trọng tuyển sinh và tổ chức đào tạo các ngành nghề xã hội có nhu cầu, các ngành nghề gắn với định hướng phát triền kinh tế - xã hội của tỉnh như: Công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics; du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; thể thao... Quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng và phát triển các cơ sở GDNN có đủ năng lực tổ chức đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao, đạt chuẩn đào tạo cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và tham gia sâu rộng vào cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường các nước khu vực ASEAN và trên thế giới.
Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, trong đó cơ quan Nhà nước đóng vai trò điều phối, là cầu nối liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để gắn kết cung - cầu lao động với GDNN trong tỉnh.
Bài và ảnh: Trần Hằng