Xu thế tất yếu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
(Baothanhhoa.vn) - Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực, trong đó giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không nằm ngoài quy luật này. Nắm bắt xu thế trên, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực áp dụng công nghệ số vào quản lý và tổ chức giảng dạy, nhằm hướng đến xây dựng môi trường học nghề hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Việc số hóa bài giảng, học liệu và cả các học phần thực hành mô phỏng tại Trường Cao đẳng Công nghiệp đã mang lại sự hào hứng cho người học.
Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa luôn quan tâm, chú trọng CĐS trong mọi hoạt động giảng dạy, quản lý, điều hành... Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, giáo viên, sinh viên về CĐS trong hoạt động giáo dục đã được nâng lên. Hiện nhà trường đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương đối đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học. Nhà trường xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật số bao gồm 2 phòng lắp ráp bảo trì máy tính, 4 phòng thực hành tin học, 1 phòng tin học có kết nối thư viện điện tử, 3 phòng học mô phỏng...
Nhà trường cũng đã chỉnh sửa và cập nhật chuẩn đầu ra cho toàn bộ ngành nghề đào tạo thuộc 3 cấp trình độ với 14 nghề trình độ cao đẳng, 17 nghề trình độ trung cấp và 18 nghề sơ cấp, trong đó có 1 nghề là nghề trọng điểm thế giới, 2 nghề trọng điểm khu vực ASEAN và 1 nghề trọng điểm quốc gia... Phần lớn các phòng, khoa chuyên môn trong trường đều đã có hệ thống phần mềm riêng phục vụ việc quản lý và giảng dạy. Việc số hóa bài giảng, học liệu và cả các học phần thực hành mô phỏng tại trường đã mang lại sự hào hứng cho người học.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Hoàng Anh Tuấn cho biết: Thực hiện CĐS trong GDNN, nhà trường kịp thời cập nhật các công nghệ mới, hiện đại đưa vào chương trình giảng dạy. Chương trình giảng dạy được điều chỉnh, bổ sung và tích hợp những yếu tố mới liên quan đến tự động hóa. Đồng thời, đưa các nội dung như IoT, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu tích hợp vào nội dung giảng dạy các môn học. Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; xây dựng mô hình trường học thông minh và nhà máy 4.0 với thiết bị công nghệ cao phục vụ đào tạo, nghiên cứu và sản xuất.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở GDNN (gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN). Đến nay, 100% cơ sở GDNN trên địa bàn đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; trên 80% trường học sử dụng phần mềm quản lý nhà trường. Trong quản trị nhà trường, hồ sơ học sinh, sinh viên, hồ sơ nhân sự và hồ sơ về cơ sở vật chất, thiết bị đều đã được quản lý bằng hồ sơ số; hồ sơ giảng dạy đã chuyển đổi sang hồ sơ điện tử, dần thay thế hồ sơ giấy. Cùng với đó, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động GDNN, từng bước xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến, xây dựng kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, hỗ trợ đầu tư nâng cấp một số phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo, thiết bị tăng cường ở những ngành, nghề phù hợp.
Đến nay, có 32/66 cơ sở GDNN thực hiện thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, nhằm triển khai thực hiện các tiểu dự án về phát triển GDNN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các trường cao đẳng, trung cấp công lập được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng thực hành nghề cho học sinh, sinh viên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; số lượng người được đào tạo nghề tăng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong những năm tới.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa.
Nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN, ngày 18/7/2022 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 184/KH-UBND về thực hiện chương trình CĐS trong GDNN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 có 50% nhà giáo của các cơ sở GDNN được đào tạo phát triển học liệu số; 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức CĐS; 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học - công nghệ mới; 50% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia; 100% trường cao đẳng, trung cấp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng GDNN của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số... Đến năm 2030, có 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở GDNN được đào tạo phát triển học liệu số; 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức CĐS; 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia; 100% cơ sở GDNN số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng GDNN của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; 100% trường chất lượng cao là trường học số...
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN; áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo, cá nhân hóa việc học tập. Xây dựng, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến, các phần mềm quản lý phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về GDNN. Điều hành hoạt động GDNN dựa trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu GDNN thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Xây dựng công cụ và triển khai hoạt động kiểm tra, hoạt động đảm bảo chất lượng, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đồng thời, xây dựng phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về GDNN và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của Tổng cục GDNN.
Đặc biệt, để thúc đẩy CĐS một cách hiệu quả, các cơ sở GDNN cần xây dựng một chiến lược toàn diện, từ việc nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, đến việc phát triển nội dung giáo trình điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học viên. Một trong những bước đầu tiên và quan trọng nhất là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo rằng mọi sinh viên và giáo viên đều có thể truy cập vào nguồn tài nguyên giáo dục số một cách dễ dàng. Điều này bao gồm việc cung cấp thiết bị kỹ thuật số cần thiết như máy tính, máy tính bảng và kết nối internet ổn định. Bên cạnh đó, việc phát triển nội dung giáo trình điện tử phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của học viên là yếu tố không thể thiếu trong quá trình CĐS. Đào tạo và phát triển kỹ năng số cho giáo viên là một khía cạnh khác cần được chú trọng. Giáo viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể sử dụng hiệu quả các công cụ giáo dục số, từ việc tạo ra nội dung số hóa cho đến việc quản lý lớp học trực tuyến. Ngoài ra, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới mẻ và sáng tạo như học tập qua trò chơi điện tử (gamification) hay học tập dựa trên dự án, cũng sẽ góp phần làm tăng sự hứng thú và tương tác của học viên.
Bài và ảnh: Trường Giang