Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 07 tháng đầu năm về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023
Thực hiện Chương trình công tác năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa (sau đây viết tắt là Sở LĐTBXH) đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 07 tháng đầu năm về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023 và xây dựng kế hoạch năm 2024 như sau:
I. BỐI CẢNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2023
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động đến hầu hết quốc gia, khu vực; xung đột ở Ucraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực; song, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những bất cập nội tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động chưa cao, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bị sụt giảm...
II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Về lao động - việc làm
a) Phát triển thị trường lao động, thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm
Ngay từ đầu năm 2023, với các giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đơn hàng sản xuất trở lại; phần lớn các doanh nghiệp không còn tình trạng giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, một số doanh nghiệp đã tổ chức làm thêm từ trên 200 đến 300 giờ trong năm, nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và cần tuyển dụng thêm lao động.
Trong 06 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.600 người, tăng 22% so với cùng kỳ trước; dự kiến 06 tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lên 30.000 lao động. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn duy nhất 01 doanh nghiệp([1]) dự kiến thực hiện cắt giảm lao động do không có đơn hàng, với số lượng lao động dự kiến cắt giảm là 211 người.
Quy mô lao động của tỉnh 06 tháng đầu năm ước đạt trên 2,11 triệu người với cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó: Tỷ lệ lao động làm việc trong ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 31,5%; ngành Công nghiệp - Xây dựng là 41% và ngành Dịch vụ là 27,5%. Toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 30.550 lao động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 7.336 lao động, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Sở LĐTBXH đã chỉ đạo tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm([2]) với 261 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 14.670 người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, kết nối việc làm thành công cho 1.436 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Tổ chức, hướng dẫn 7.330 lao động([3]) hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc và đăng ký dự thi tiếng Hàn lần thứ nhất năm 2023 theo chương trình EPS.
b) Đánh giá về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Sở đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tích cực đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động GDNN.
Tích cực tham mưu rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm; trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh tuyển sinh cho khoảng 30.083 người([4]).
Các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tổng diện tích đất được giao sử dụng của các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm GDNN là 1.505.923m2; diện tích phòng học lý thuyết là 72.842m2; phòng/xưởng thực hành là 191.452m2, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo theo các quy định của Chính phủ.
Chỉ đạo tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN. Rà soát danh mục thiết bị đào tạo đề nghị mua sắm của 06 trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN thực hiện các tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình MTQG. Thực hiện kiểm tra tại 05 cơ sở GDNN([5]) trên địa bàn tỉnh có hoạt động GDNN thuộc lĩnh vực sức khỏe, y dược theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH.
c) Thực hiện chính sách tiền lương, kết quả khảo sát về lao động - tiền lương trong doanh nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp
Trong 06 tháng đầu năm, Sở LĐTBXH đã hoàn thành điều tra lao động, tiền lương cho 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và 400 người lao động. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan giải quyết 03 vụ([6]) ngừng việc tập thể.
Qua theo dõi, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, cơ bản trả lương cho người lao động với mức lương cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Mặt khác, nhằm phân loại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu trong thời gian tới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và sự tương đồng về phân vùng so với các tỉnh lân cận; UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản([7]) đề xuất Bộ LĐTBXH điều chỉnh phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa([8]).
d) Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp
Trong 06 tháng đầu năm, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 14.051 lao động, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: số lao động từ các tỉnh ngoài về địa phương đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là gần 6.200 người, chiếm 44,1% tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Kịp thời tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 30/5/2023 về việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tính đến hết tháng 06/2023, tổng số lao động tham gia BHXH là 480.210 người, tăng 3.288 người so với cùng kỳ năm trước (trong đó số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 400.001 người và tham gia BHXH tự nguyện là 80.209 người); số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 374.178 người, tăng 909 người so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên là 2.388/8.325 doanh nghiệp (chiếm 28,7%) với số tiền chậm đóng là 457,018 tỷ đồng (chiếm 98,8% tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh); trong đó có 564 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động,...) đã dừng tính lãi với số tiền chậm đóng 126,895 tỷ đồng.
đ) An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)
Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh tổ chức thành công Lễ phát động “Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2023” tại Công ty TNHH Giày Annora với hơn 500 người lao động tham gia.
Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 05 đối tượng bị tai nạn lao động; thực hiện in, phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền về Nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; in, treo 30 băng rôn tuyên truyền về chủ đề của Tháng ATVSLĐ. Tổ chức 06 lớp tập huấn về ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 211 người tại gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, công tác ATVSLĐ được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, trong 06 tháng đầu năm đã có trên 100.000 người lao động, người sử dụng lao động được huấn luyện ATVSLĐ; số lượng người lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 105.390 người; số máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định là 8.253 máy, thiết bị; số mẫu quan trắc môi trường lao động là 14.129 mẫu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, phần lớn số người đang hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do phát sinh cũ và từ nơi khác chuyển về. Toàn tỉnh đã để xảy ra 04 vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi sản xuất làm chết 04 người (giảm 02 vụ tai nạn và giảm 02 người chết so với cùng kỳ năm trước).
e) Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam
Tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Thanh Hóa là 2.003 lao động, chủ yếu là lao động Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà quản lý, giám đốc điều hành, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Trong 06 tháng đầu năm, Sở LĐTBXH đã thực hiện cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 554 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Nhìn chung lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc trao đổi thông tin và báo cáo tình hình quản lý lao động nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động, sử dụng visa doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc, không thực hiện việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý.
2. Thực hiện chính sách người có công
Chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan bưu điện cùng cấp triển khai thực hiện công tác chi trả trợ cấp kịp thời, đúng quy định đối với trên 471.350 lượt đối tượng chính sách người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện hơn 888,85 tỷ đồng. Ban hành trên 6.500 quyết định giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tiếp nhận và an táng 16 hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm.
Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 190.538 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện trên 57,686 tỷ đồng, trong đó có 95.407 người được nhận quà của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là trên 28,622 tỷ đồng. Ngoài ra, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương và hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để trao tặng 52.720 suất quà, trị giá gần 15 tỷ đồng để trao tặng cho người có công với cách mạng.
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023); tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt tặng quà cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, theo đó có 94.387 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công được tặng quà của tỉnh, với kinh phí thực hiện trên 28,3 tỷ đồng.
3. Về các lĩnh vực xã hội
a) Về giảm nghèo bền vững
Tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Tổ chức 12 lớp tập huấn, hội nghị truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện công tác giảm nghèo cho trên 1.200 đại biểu; phối hợp với Trung tâm truyền hình thông tấn làm phóng sự tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. In, cấp phát 6.900 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và quy trình rà soát hộ nghèo cho các địa phương. Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại 06 huyện nghèo.
b) Về bảo trợ xã hội
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với trên 1,39 triệu lượt đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí thực hiện hơn 700 tỷ đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với 67.054 người cao tuổi với tổng kinh phí thực hiện trên 29 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã bố trí 6,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 470,31 tấn gạo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỳ giát hạt năm 2023 cho 3.704 lượt hộ với 22.017 lượt nhân khẩu. Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm, tặng 580.148 suất quà trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện 381,85 tỷ đồng (tăng 133.364 suất quà, tương đương tăng 116,29 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022).
Tổ chức 46 lớp tập huấn, truyền thông, hội thảo tại cộng đồng với sự tham gia của hơn 3.050 lượt người. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại 02 huyện. Thẩm định hồ sơ, chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận 33 đối tượng đủ điều kiện vào nuôi dưỡng tập trung. Tiếp tục thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho khoảng 1.700 lượt người tại cộng đồng.
c) Về công tác trẻ em
Trên địa bàn tỉnh hiện có 960.281 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,4% dân số toàn tỉnh), trong đó có 15.069 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), chiếm tỷ lệ 1,57% và 129.195 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, chiếm tỷ lệ 13,4%. Tỷ lệ trẻ em có HCĐB được trợ giúp đạt 93,74% (tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước); 100% số vụ xâm hại trẻ em đều được phối hợp, can thiệp, trợ giúp và xử lý kịp thời; 100% gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích được hỗ trợ mai táng, thăm hỏi, động viên.
Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 420 người. Hỗ trợ tổ chức 05 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em tại 05 huyện, thành phố; lắp đặt 60 biển cảnh báo, biển cấm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại 03 huyện. Xây dựng phóng sự về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; in, treo 80 băng rôn tuyên truyền, nhân bản 30.000 tờ rơi, 4.500 cuốn tài liệu; phối hợp với 03 nhà mạng gửi tin nhắn SMS([9]) tới hơn 03 triệu thuê bao sử dụng điện thoại di động trên phạm vi toàn tỉnh.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại 01 huyện và 03 xã, thị trấn. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì và triển khai thực hiện 04 mô hình([10]) bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa đối với hơn 1.210 trẻ em có HCĐB, khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 1,51 tỷ đồng.
d) Về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
Các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới tại cộng đồng tiếp tục phát huy tác dụng. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tích cực thực hiện. Đã tổ chức 20 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới cho trên 1.500 lượt người. Thực hiện kết nối, hỗ trợ 08 đối tượng là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới đến tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương (mô hình OSSC hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới).
đ) Về phòng, chống tệ nạn xã hội
Tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung, mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy và người làm công tác cai nghiện ma túy. Tổ chức và phối hợp tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao năng lực về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội cho gần 1.300 lượt người tại các huyện, thị xã, thành phố; 10 Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội với sự tham gia của trên 6.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên; thực hiện in, cấp phát 30.000 tờ rơi, 90 băng-rôn và 70 pa-nô tuyên truyền về phòng, chống ma túy trên địa bàn các huyện.
Các cơ sở cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 180 người; tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 260 đối tượng hết thời hạn cai nghiện. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở đang quản lý 1.021 đối tượng; cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang tổ chức điều trị được cho 102 bệnh nhân.
4. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tổ chức bộ máy
Tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 04 quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTBXH. Ngoài ra, Sở đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTBXH. Cơ quan Sở LĐTBXH và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định hồ sơ, TTHC của tổ chức, cá nhân.
Tiếp tục sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng để cung cấp các dịch vụ công và giải quyết công việc như: Phần mềm trực tuyến người có công, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, kế toán, quản lý tài sản, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức v.v... Thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành. Thực hiện số hóa đối với các thành phần hồ sơ người có công mới phát sinh; đến nay, đã có trên 330.000 hồ sơ người có công (đạt tỷ lệ 100%) được số hóa phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công. Hướng dẫn rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin về tình hình đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội, thông tin trẻ em tại cơ sở vào phần mềm quản lý.
5. Thanh tra, kiểm tra; tiếp công dân; xử lý đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Hoạt động tiếp công dân đã được Sở LĐTBXH quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tiếp công dân; xây dựng và ban hành đầy đủ các nội quy, quy chế tiếp công dân. Lãnh đạo Sở và cán bộ tiếp công dân đã tiếp 1.358 lượt công dân tại Bộ phận Tiếp công dân của Sở (tăng gấp 3,16 lần so với cùng kỳ năm trước). Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời 125 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, không có đơn thư tồn đọng, không có vụ việc khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chính sách về các lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, tiền lương, GDNN, ATVSLĐ, BHXH.v.v... Trong 06 tháng đầu năm, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 34 doanh nghiệp, đơn vị, địa phương; tiến hành điều tra 15 vụ tai nạn lao động xảy ra năm 2022. Qua đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 doanh nghiệp, đơn vị và 06 người lao động với số tiền xử phạt 160 triệu đồng; tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 01 doanh nghiệp chậm đóng BHXH với số tiền 150 triệu đồng.
([1]) Tại Công ty TNHH Fruit of the Loom trên địa bàn huyện Quảng Xương
([2]) Gồm: 20 phiên Giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; 04 Phiên Giao dịch việc làm lưu động và 06 Ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh
([3]) Trong đó: có 1.343 lao động đã thi đạt tiếng Hàn Quốc lần 02 năm 2022; có 5.987 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn lần thứ 1 năm 2023.
([4]) Trong đó: trình độ Cao đẳng là 1.314 người; trình độ Trung cấp là 3.404 người; trình độ Sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 03 tháng là 25.365 người.
([5]) Gồm: Trường Cao đẳng Bách Khoa; Trường Trung cấp công nghệ và Y dược Miền Trung; Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc Phòng (cơ sở đào tạo Thanh Hóa); Trường Cao đẳng Y dược Hợp Lực; Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa.
([6]) Cụ thể: có 02 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân, gồm: Công ty Cổ phần DG WIN Việt Nam (doanh nghiệp dân doanh, ngành nghề: dệt may, có 104 công nhân) và Công ty TNHH Công nghệ thể thao Victory (doanh nghiệp FDI; ngành nghề: giày da; có 945 lao động); 01 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hoằng Hóa là Công ty TNHH TCE Jeans (doanh nghiệp FDI; ngành nghề: may công nghiệp; có 2.000 lao động).
([7]) Công văn số 3762/UBND-VX ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề xuất điều chỉnh phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
([8]) Cụ thể: (i) Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng II gồm: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn; (ii) Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng III gồm: các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống; (iii) Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV gồm: các huyện còn lại của tỉnh Thanh Hóa.
([9]) Nội dung thông điệp truyền tải: “Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng tránh đuối nước”.
([10]) Cụ thể: 02 mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” tại huyện Vĩnh Lộc; 02 mô hình “Tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc về phát triển toàn diện trẻ em đến đủ 08 tuổi các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng” và mô hình “Kết nối dịch vụ và hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện” tại huyện Yên Định.
Văn phòng Sở