Kết quả nhiệm vụ xây dựng cơ sở và thực hiện Quy chế dân chủ năm 2023
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm Sở LĐTBXH xây dựng kế hoạch cơ sở và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2023 trình Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở và thực hiện quy chế dân chủ tỉnh phê duyệt; tổ chức triển khai thực trong toàn Sở, đạt được kết quả nổi bật đó là:
Một là, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện:
- Sở LĐTBXH đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc xây dựng cơ sở và thực quy chế dân tại cơ quan, đơn vị; tổ chức đạo quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ XDCS vững mạnh toàn diện và thực hiện QCDC ở cơ sở.
- Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, cụ thể:
* Về lao động, việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
Sau đại dịch Covid-19, các DN trên địa bàn tỉnh đều nỗ lực để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều DN trên cả nước nói chung và các doanh trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực may mặc, giày da… lại đối mặt với nhiều khó khăn, mà cụ thể là thiếu đơn hàng dẫn đến phải cắt, giảm lao động, việc làm. Trước tình hình đó, Sở LĐTBXH đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả:
+ Đã cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 157 nghìn lượt người; kết nối việc làm thành công cho 2.000 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề.
+ Thực hiện hỗ trợ cho trên 05 nghìn 700 dự án vay vốn giải quyết việc làm giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 6 nghìn lao động.
+ Thực hiện chính sách hưởng trợ cấp TN cho trên 28 nghìn lao động.
- Năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm mới cho khoảng 62 nghìn lao động, đạt 108,4% kế hoạch năm.
- Đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho trên 14 nghìn lao động, đạt 294,2% kế hoạch năm, trong đó: có trên 2 nghìn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, nâng tổng số lao động Thanh Hóa đang làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc lên gần 8 nghìn lao động; trở thành địa phương đứng đầu của cả nước về số lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
- Đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định hơn, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đơn hàng sản xuất trở lại; phần lớn các doanh nghiệp không còn tình trạng giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, một số doanh nghiệp đã tổ chức làm thêm từ trên 200 đến 300 giờ trong năm.
Hiện nay, Thanh Hóa có khoảng 40 nghìn lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều huyện Miền núi đã thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động như: Huyện Thạch Thành, Bá Thước, Mường Lát… đem lại nguồn thu ngoại tệ cho các địa phương. Ước tính hằng năm, số tiền người lao động gửi về gia đình ước khoảng 02 nghìn 700 tỷ đồng đến 03 nghìn 500 tỷ đồng, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh.
- Năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 83 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73%, trong đó: có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28%. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề học sinh, sinh viên ra trường có việc làm 100% như: nghề Hàn; nghề May thời trang; nghề Điện công nghiệp...
* Về thực hiện chính sách giảm nghèo và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại 15 huyện, thị xã; tổ chức các hội nghị giao ban với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
- Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ là 1.640 tỷ 539 triệu đồng. Trong đó, năm 2022, 2023 đã phân bổ là 945 tỷ 033 triệu đồng; đến nay đã giải ngân được 454 tỷ 983 triệu đồng, đạt tỷ lệ 48,14%, cao hơn tỷ lệ giải ngân Chương trình của cả nước.
- Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phân bổ cho tỉnh ta là 1.987 tỷ đồng, đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023 là 685 tỷ 135 triệu đồng đã giải ngân được 300 tỷ 567 triệu đồng, đạt 46,4%.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên, định kỳ năm 2023. Kết quả, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,47%. Trong giai đoạn 2022-2023, tổng tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,26% (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%); bình quân mỗi giảm 1,63%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đề ra.
- Các chính sách về bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hai là, Xây dựng đơn vị văn hóa, đơn vị kiểu mẫu
Sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến nhằm động viên, khích lệ và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành. Đến nay, Đảng bộ Sở LĐTBXH đã có 07 đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa lần đầu, 04 đơn vị được công nhận lại; 03 đơn vị được công nhận đơn vị kiểu mẫu; đồng thời trình Chủ tịch tỉnh công nhận danh hiệu đơn vị kiểu mẫu cho 01 đơn vị trực thuộc Sở; trình Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng Giấy khen cho 01 tập thể điển hình Dân vận khéo giai đoạn 2021-2023.
Ba là, thực hiện chính sách hậu phương quan đội và chính sách an sinh xã hội:
- Tiếp tục quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Trình Bộ LĐTBXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 16 liệt sĩ (thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trước ngày 31/12/1994 trở về trước), đổi lại 305 Bằng Tổ quốc ghi công; tiếp nhận và xác nhận mới cho 393 trường hợp; thực hiện chế độ tuất đối với 04 thân nhân người có công; tiếp nhận và di chuyển 413 hồ sơ; giải quyết chế độ mai táng phí đối với 5.670 trường hợp là thân nhân người có công. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tiếp nhận và an táng 16 hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm, huyện Bá Thước.
- Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các Đoàn công tác đi thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán và ngày thương binh, liệt sĩ (27/7) đối với người có công với cách mạng và hộ gia đình người có công tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố.
- Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố có đồng bào sinh sống trên sông và các ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đồng bào sinh sống trên sông tìm được việc làm, tiếp cận các nguồn hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, được học tập, chăm sóc sức khỏe…; được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao.
Bốn là, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:
- Hằng năm, Cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chương trình, kế hoạch năm đều xin ý kiến cán bộ, công chức, viên chức trước khi ban hành.
- Thực hiện kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan, các đơn vị trực thuộc để nâng cao chất lượng hoạt động, giám sát.
- Công tác đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch cán bộ, điều động, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ được Đảng ủy, lãnh đạo Sở thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ và đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định (xuất phát từ nhu cầu, đề xuất của các phòng, đơn vị; xây dựng kế hoạch, xin ý cấp ủy, trao đổi gặp gỡ cán bộ; thực hiện đầy đủ các bước quy trình về nhân sự theo quy định).
- Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện.
- Công tác tiếp công dân được thực hiện đầy đủ theo quy định; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhất là những vấn đề nổi cộm.
Bên cạnh kết quả đạt được còn có những hạn chế, tồn tại đó là:
(1) Việc thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 còn chậm.
(2) Các vụ tai nạn đuối nước trẻ em giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh.
(3) Giáo dục nghề nghiệp chưa gắn chặt với thị trường lao động; quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh lực lượng lao động có chứng chỉ bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp cao.
(4) Chưa có biện pháp hữu hiệu để thu hồi số tiền hưởng sai chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nộp trả ngân sách Nhà nước theo các Kết luận của Thanh tra Bộ LĐTBXH.
Để thực hiện tốt hơn nữa QCDC ở cơ sở, trong thời gian tới Sở LĐTBXH phối hợp với ban, sở, ngành thực hiện tốt một số nội dung:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; tiếp thu ý kiến của Nhân dân và doanh nghiệp phản án về các vấn đề xã hội do ngành quản lý, qua đó xây dựng chương trình, kế hoạch công tác sát với tình hình thực tế, bảo đảm phát huy tối đa kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để khắc phục những hạn chế yếu kém trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hộinăm 2024 đã đề ra.
Thứ ba, lồng ghép có hiệu quả các nội dung của QCDC ở cơ sở với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Thông qua đó, vừa góp phần thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, vừa chăm lo tốt hơn đời sống cho cán bộ, CC, VC và người lao động.
Thư tư, tiếp tục phối hợp với các ban, sở, ngành và các địa phương hiện hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Văn phòng Sở