Những kết quả nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội tỉnh Thanh Hóa 09 tháng đầu năm 2023

Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Sở LĐTBXH đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; bám sát phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh theo Chương trình công tác năm 2023 và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023. Những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

1. Về lĩnh vực lao động, việc làm

Thị trường lao động cơ bản được phục hồi mạnh so với năm 2021 và năm 2022, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 16/3/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sở LĐTBXH đã chỉ đạo tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm (tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2022)([1]) với 340 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 19.350 người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, kết nối việc làm thành công cho 1.873 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Tổ chức, hướng dẫn 9.592 lao động([2]) hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc và đăng ký dự thi tiếng Hàn lần thứ nhất năm 2023 theo chương trình EPS. Đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm cho 47.620 lao động (đạt 82,1% kế hoạch năm và bằng 108,7% cùng kỳ năm 2022), trong đó: có 10.021 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 200,4% kế hoạch năm và bằng 126,2% cùng kỳ năm 2022). Tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản (4.672 lao động); Đài Loan (3.524 lao động); Hàn Quốc (1.236 lao động)...

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người
lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh Thanh Hóa. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý lao động cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động. Trong 09 tháng đầu năm, đã cấp mới, cấp lại và gia hạn giấy phép cho 1.401 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh Thanh Hóa([3]).

Tích cực thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng, củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong 09 tháng đầu năm đã tiếp nhận, thẩm định 173 nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thông báo làm thêm giờ… của doanh nghiệp. Hoàn thành điều tra lao động, tiền lương năm 2023 cho 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được
chú trọng, Sở đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, tổ chức thành công Lễ phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023” với sự tham gia của hơn 500 người lao động. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà đối với 05 đối tượng bị tai nạn lao động; công tuyên truyền phổ biến, tập huấn kiến thức và kỹ năng làm việc an toàn cho người sử dụng lao động và người lao động được tăng cường([4]). Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan giải quyết 03 vụ([5]) ngừng việc tập thể. Trong 09 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn lao động tại nơi sản xuất làm chết 04 người([6]) (giảm 07 vụ tai nạn và giảm 07 người chết so với cùng kỳ năm 2022).

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 8 năm 2023, tổng số lao động tham gia BHXH là 481.667([7]) người, số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 376.111 người. Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong 09 tháng đầu năm 2023, có 22.490 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022 và 22.392 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến tháng 8 năm 2023, tổng số doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên là 2.742/8.365 (chiếm 32,7%) số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền nợ là 463,546 tỷ đồng, trong đó có 564 doanh nghiệp nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động v.v...) đã dừng tính lãi với số tiền chậm đóng là 126,948 tỷ đồng.

2. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN)

Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở GDNN tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động GDNN. Tích cực tham mưu triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm. Hướng dẫn tổ chức kiện toàn tổ chức, bộ máy đối với 11 trường cao đẳng và 15 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các hoạt động kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
trong hợp tác đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Trong 09 tháng đầu năm, toàn tỉnh tuyển sinh được 59.600 người (gồm: cao đẳng: 1.800 người; trung cấp: 5.300 người; sơ cấp và dưới 03 tháng: 52.500 người), đạt 71,74% kế hoạch và bằng 101,88% so với cùng kỳ năm 2022.

Các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tổng diện tích đất được giao sử dụng của các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm GDNN là 1.505.923m2; diện tích phòng học lý thuyết là 72.842m2; phòng/xưởng thực hành là 191.452m2, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 và Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ.

Chỉ đạo tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN. Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị đào tạo đề nghị mua sắm của 06 trường cao đẳng, trung cấp([8]) công lập. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, huyện, các cơ sở GDNN thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả các tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình MTQG. Đến nay, đã tổ chức được trên 80  lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng với khoảng 2.635 người, trong đó: Tiểu dự án 1, dự án 4 là 46 lớp với 1.610 người tham gia học nghề  và  Tiểu dự án 3, dự án 5 là 34 lớp với 1.025 người tham gia học nghề thuộc các CTMTQG. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra 05 cơ sở GDNN([9]) trên địa bàn tỉnh có hoạt động GDNN thuộc khối ngành sức khỏe theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH.

3. Về lĩnh vực người có công

Thực hiện công tác chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng được kịp thời, đúng quy định đối với trên 67.000 đối tượng chính sách người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.137 tỷ đồng. Tiếp tục quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Trình Bộ LĐTBXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 16 liệt sĩ (thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trước ngày 31/12/1994 trở về trước), đổi lại 261 Bằng Tổ quốc ghi công; tiếp nhận và xác nhận mới cho 309 trường hợp; thực hiện chế độ tuất đối với 04 thân nhân người có công; tiếp nhận và di chuyển 260 hồ sơ; giải quyết chế độ mai táng phí đối với 5.331 trường hợp là thân nhân người có công. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tiếp nhận và an táng 16 hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước CHDCND Lào về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm, huyện Bá Thước.

Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 379.153 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện trên 114 tỷ đồng, trong đó có 189.794 lượt người được nhận quà của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là trên 56,9 tỷ đồng; tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức các hoạt động dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương (ngân sách huyện, xã) và hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm với kinh phí gần 29 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.

4. Về lĩnh vực giảm nghèo và bảo trợ xã hội

- Về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững: Tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổ chức 12 lớp tập huấn, hội nghị truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện công tác giảm nghèo cho trên 1.200 đại biểu; phối hợp với Trung tâm truyền hình thông tấn làm phóng sự tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. In, cấp phát 6.900 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và quy trình rà soát hộ nghèo cho các địa phương. Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại 06 huyện nghèo.

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 02 năm 2022-2023: 945,033 tỷ đồng, giải ngân 389.670 triệu đồng, tỷ lệ đạt 41,23%, trong đó: Năm 2022: 264.958 triệu đồng, đạt 54,5%; 6 tháng đầu năm 2023: 124.712 triệu đồng, đạt 27,18%. Vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ năm 2021 đến nay: 647,68 tỷ đồng; đã giải ngân: 63.125 triệu đồng, đạt 9,21%, trong đó: Năm 2021: 19.455 triệu đồng; năm 2022: 34.875 triệu đồng; năm 2023: 8.796 triệu đồng.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin, v.v…); cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được tăng cường.

- Về công tác bảo trợ xã hội: Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với trên 195.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí thực hiện hơn 900 tỷ đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với 67.054 người cao tuổi với tổng kinh phí thực hiện trên 29 tỷ đồng.

Tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí 6,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 470,31 tấn gạo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỳ giát hạt năm 2023 cho 3.704 lượt hộ với 22.017 lượt nhân khẩu([10]). Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm, tặng 580.148 suất quà trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện 381,85 tỷ đồng (tăng 133.364 suất quà, tương đương tăng 116,29 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022).

Tổ chức 46 lớp tập huấn, truyền thông, hội thảo tại cộng đồng với sự tham gia của hơn 2.785 lượt người. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại huyện Hà Trung và Nông Cống. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; đã thẩm định hồ sơ, chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận 37 đối tượng([11]) đủ điều kiện vào nuôi dưỡng tập trung. Tiếp tục thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội (tư vấn tâm lý, sức khỏe, giải đáp chế độ chính sách v.v…) cho 4.468 lượt người tại cộng đồng, thông qua tổng đài điện thoại 18001744 và trực tiếp tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

5. Về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới

- Về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Trên địa bàn tỉnh hiện có 960.281 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,4% dân số toàn tỉnh), trong đó có 15.069 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), chiếm tỷ lệ 1,57% và 129.195 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, chiếm tỷ lệ 13,4%. Tỷ lệ trẻ em có HCĐB được trợ giúp đạt 93,74%; 100% số vụ xâm hại trẻ em đều được phối hợp, can thiệp, trợ giúp và xử lý kịp thời; 100% gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích được hỗ trợ mai táng, thăm hỏi, động viên.

Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 420 người; hỗ trợ tổ chức 05 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em tại 05 huyện, thành phố. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì và triển khai thực hiện 04 mô hình([12]) bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa xây dựng phóng sự về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; treo 80 băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; in và cấp phát 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; 4.500 cuốn tài liệu “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng”; lắp đặt 06 pa-nô tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 06 huyện, thị xã; lắp đặt 60 biển cảnh báo, biển cấm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại 03 huyện; phối hợp với 03 nhà mạng gửi tin nhắn SMS([13]) tới hơn 3 triệu thuê bao sử dụng điện thoại di động trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố về tình hình tai nạn, thương tích trẻ em tính đến ngày 08/9/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong 39 trẻ em (giảm 01 vụ và giảm 10 trẻ tử vong so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: có 23 vụ tai nạn đuối nước làm 26 trẻ tử vong (giảm 06 vụ và 14 trẻ tử vong so với cùng kỳ năm 2022); 05 vụ tai nạn giao thông làm 06 trẻ tử vong và 06 vụ tai nạn, thương tích khác làm 07 trẻ tử vong.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại 02 huyện và 06 xã, thị trấn; tham gia Đoàn giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em tại 02 huyện do Tỉnh đoàn tổ chức. Phối hợp với 03 huyện([14]) lập danh sách 07 trẻ em là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, để nhận hỗ trợ theo Chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa đối với hơn 1.210 trẻ em có HCĐB, khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 1,51 tỷ đồng.

- Về công tác bình đẳng giới: Các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới tại cộng đồng tiếp tục phát huy tác dụng. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tích cực thực hiện. Đã tổ chức 26 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới cho trên 1.900 lượt người. Thực hiện kết nối, hỗ trợ 07 đối tượng là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới đến tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương (mô hình OSSC hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới).

6. Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đã tổ chức và phối hợp tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao năng lực về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội cho gần 1.300 lượt người tại các huyện, thị xã, thành phố; 10 Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội với sự tham gia của trên 6.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên; thực hiện in, cấp phát 30.000 tờ rơi tuyền truyền.

Các cơ sở cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 285 người([15]); tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 286 đối tượng hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở đang quản lý 1.016 đối tượng (gồm: 998 đối tượng cai nghiện bắt buộc và 18 đối tượng cai nghiện tự nguyện). Cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội và Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 đang tổ chức điều trị được cho 92 bệnh nhân.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 (theo Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 17/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh) tại 21 cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 02 cơ sở vi phạm về công tác an ninh trật tự, đoàn đã lập biên bản để xử lý vi phạm hành chính, nộp vào Kho bạc Nhà nước 45 triệu đồng.

7. Thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của ngành

Quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chính sách về các lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, tiền lương, GDNN, ATVSLĐ, BHXH.v.v... Trong 09 tháng đầu năm, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 35 doanh nghiệp, đơn vị, địa phương và tham gia Đoàn Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh tại 10 doanh nghiệp; tiến hành điều tra 20 vụ tai nạn lao động (gồm: 18 vụ tai nạn xảy ra trong năm 2022 và 02 vụ tai nạn xảy ra trong năm 2023). Qua đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp, đơn vị và 06 người lao động với số tiền xử phạt 221 triệu đồng; tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 01 doanh nghiệp chậm đóng BHXH với số tiền 150 triệu đồng. Qua thanh tra, các doanh nghiệp đã chủ động nộp số tiền nợ đóng BHXH gần 02 tỷ đồng.

Hoạt động tiếp công dân đã được Sở LĐTBXH quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tiếp công dân; xây dựng và ban hành đầy đủ các nội quy, quy chế tiếp công dân. Lãnh đạo Sở và cán bộ tiếp công dân đã tiếp 1.959 lượt công dân tại Bộ phận Tiếp công dân của Sở (tăng gấp 2,37 lần so với cùng kỳ năm 2022). Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời 258 đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, không có đơn thư tồn đọng, không có vụ việc khiếu kiện vượt cấp kéo dài.

8. Cải cách hành chính và giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

a) Cải cách hành chính và giải quyết THHC

Tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 05 Quyết định([16]) công bố 04 TTHC mới ban hành, 07 TTHC được sửa đổi, bổ sung và 13 TTHC bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Sở đã ban hành 02 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTBXH; đề xuất, lựa chọn 02 TTHC([17]) thuộc lĩnh vực người có công để đưa vào thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 10/11/2022 đến ngày 05/9/2023, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở đã tiếp nhận 183.713 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC, kết quả: Đã giải quyết 180.838 hồ sơ (trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn là 180.829 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết quá hạn là 09 hồ sơ. Hồ sơ quá hạn do: trong quá trình thực hiện TTHC lĩnh vực người có công thuộc phạm vi chức năng QLNN của Bộ LĐTBXH có khó khăn, vướng mắc về thời gian thực hiện quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong trường hợp các bộ, ngành liên quan không cung cấp bản trích lục hồ sơ thương binh, chậm trễ trong việc phối hợp cung cấp bản trích lục hồ sơ thương binh hoặc không có văn bản phúc đáp, vì vậy Sở LĐTBXH không có căn cứ hồ sơ để giải quyết TTHC, trả kết quả cho công dân), đạt tỷ lệ 98,4%; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 2.875 hồ sơ.

b) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu
cầu thực hiện nhiệm vụ của ngành([18]), trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 06/6/2023 về việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Sở; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đến nay, Sở LĐTBXH có 06 TTHC đạt mức độ 3, có 66 TTHC đạt mức 4; thực hiện số hóa 300.000 hồ sơ người có công (đạt 100%), số hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh là 194.783 đối tượng (đạt 100%); kết nối, chia sẻ và làm sạch dữ liệu của gần 70.000 người cao tuổi, hơn 60.000 người có công với cách mạng; trên 48.000 hộ nghèo và trên 68.000 hộ cận nghèo với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật, chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em 632.284/960.281 trẻ em (đạt tỷ lệ 65,84% trên tổng số trẻ em) …; tiếp nhận, trả kết quả “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến; kết nối và thực hiện nhóm dịch vụ công liên thông Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí …

 


([1]) Gồm: 33 phiên Giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; 04 Phiên Giao dịch việc làm lưu động và 06 Ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

([2]) Trong đó: có 1.343 lao động đã thi đạt tiếng Hàn Quốc lần 02 năm 2022; có 8.249 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn lần thứ 1 năm 2023.

([3]) Trong đó: Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN giấy phép cho 616 lao động (cấp mới cho 401 lao động, cấp lại cho 32 lao động, gia hạn cho 183 lao động).

([4]) In, phát hành 10.000 tờ rơi, 30 băng rôn tuyên truyền; tổ chức 03 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động cho 211 người là đại diện người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác nhân sự, bảo hiểm xã hội tại gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

([5]) Cụ thể: có 02 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân, gồm: Công ty Cổ phần DG WIN Việt Nam (doanh nghiệp dân doanh, ngành nghề: dệt may, có 104 công nhân) và Công ty TNHH Công nghệ thể thao Victory (doanh nghiệp FDI; ngành nghề: giày da; có 945 lao động); 01 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hoằng Hóa là Công ty TNHH TCE Jeans (doanh nghiệp FDI; ngành nghề: may công nghiệp; có 2.000 lao động).

([6]) Gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Hải Ánh, thị xã Nghi Sơn; (2) Công ty TNHH Long Sơn, thị xã Bỉm Sơn; (3) Công ty Cổ phần chế biến lâm sản Đại Dương, thị xã Nghi Sơn; (4) Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

([7]) Gồm: Số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 401.882 người và tham gia BHXH tự nguyện là 79.785 người.

([8]) Gồm: Trường CĐ Công nghiệp Thanh Hóa; Trường CĐN Nghi Sơn; Trường CĐ Y Tế Thanh Hóa; Trường TCN Nga Sơn; Trường TCN Miền núi Thanh Hóa; Trường TCN Thanh, Thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn.

([9]) Gồm: Trường Cao đẳng Bách Khoa; Trường Trung cấp công nghệ và Y dược Miền Trung; Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc Phòng (cơ sở đào tạo Thanh Hóa); Trường Cao đẳng Y dược Hợp Lực; Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa.

([10]) Tại các huyện: Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát và Hội Người mù tỉnh.

([11]) Gồm: (1) Trung tâm BTXH số 2: 08 đối tượng; (2) Trung tâm Bảo trợ xã hội: 25 đối tượng; (3) Trung tâm Chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi: 04 đối tượng.

([12]) Gồm: 02 mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em” (tại huyện Vĩnh Lộc); 01 mô hình “Tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc về phát triển toàn diện trẻ em đến đủ 08 tuổi các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng” (tại huyện Yên Định); 01 mô hình “Kết nối dịch vụ và hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện” (tại huyện Yên Định).

([13]) Nội dung thông điệp truyền tải: “Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng tránh đuối nước”.

([14]) Gồm: UBND thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương.

([15]) Gồm: 280 người cai nghiện bắt buộc, 05 người cai nghiện tự nguyện.

([16]) Gồm: (1) Quyết định số 543/QĐ-UBND ngày 17/02/2023 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; bị bãi bỏ trong lĩnh vực việc làm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTBXH/Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; (2) Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 27/3/2023 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp xã, tỉnh Thanh Hóa; (3) Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, bị bãi bỏ trong lĩnh vực Bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp xã, tỉnh Thanh Hóa; (4) Quyết định số 1652/QĐ-UBND ngày 17/5/2023 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; (5) Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực người có công thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTBXH và UBND cấp xã tỉnh Thanh Hóa.

([17]) Gồm: (1) TTHC “Cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công với cách mạng”; (2) TTHC “Di chuyển hồ sơ khi người hưởng trợ cấp ưu đãi thay đổi nơi thường trú”.

([18]) Kế hoạch số 119/KH-SLĐTBXH ngày 23/11/2022 về việc chuyển đổi số của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2023; Kế hoạch số 32/KH-SLĐTBXH ngày 22/02/2023 về việc thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2023 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kế hoạch số 61/KH-SLĐTBXH ngày 20/4/2023 về thực hiện mô hình “An sinh xã hội”.

Văn phòng Sở