Những kết quả đạt được trong hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn.

Căn cứ Thỏa thuận Chiến lược hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2021-2030; Hiện định Hợp tác song phương giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2021-2025; các thỏa thuận hợp tác của các bộ, ban ngành Trung ương của hai nước, nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thanh Hóa, nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tỉnh Thanh Hóa và Tỉnh Hủa Phăn đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh; kinh tế; giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, về y tế… giai đoạn 2021-2025.

Tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao hai tỉnh, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, địa phương của hai bên; chủ động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục tăng cường thực hiện nội dung biên bản hợp tác giữa các sở, ban, ngành của hai tỉnh và hợp tác kết nghĩa giữa các xã dọc biên giới của tỉnh Thanh Hóa với các bản, cụm bản dọc biên giới của tỉnh Hủa Phăn; thúc đẩy quan hệ đối ngoại Nhân dân, nhất là giữa Nhân dân hai bên biên giới. Tăng cường mô hình giao lưu già làng, trưởng bản khu vực biên giới; hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân hai bên biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng khu vực biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy và đạt được một số kết quả cụ thể:

- Về công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được lãnh đạo hai tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Triển khai các văn kiện, biên bản đã ký kết, hai bên đã tạo điều kiện tốt nhất cho các lực lượng tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là bộ đội, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào về nước và tổ chức an táng tại Việt Nam đảm bảo quy định của hai nước Việt Nam và Lào. Từ năm 2021, Ban Công tác đặc biệt tỉnh Hủa Phăn Nước CHDCND Lào và Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thanh Hóa, Nước CHXHCN Việt Nam cùng các cấp chính quyền của hai tỉnh đã phối hợp, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập đưa về nước 47 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào qua các thời kỳ chiến tranh.

Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp khuôn viên Tượng đài ghi công Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào tại tỉnh Hủa Phăn, với kinh phí đầu tư 06 tỷ đồng.

- Về phát triển nguồn nhân lực: tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn trong công tác đào tạo cán bộ, học sinh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 225 sinh viên Lào đang học tập tại các trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận và đào tạo 46 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn sang học trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Hiệp định hợp tác về giáo dục đào tạo, hai bên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt các quy định về chế độ chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh, gia hạn thị thực đối với lưu học sinh, quản lý kết quả học tập và giải quyết các vấn đề phát sinh về hồ sơ, danh sách và kết quả đào tạo của lưu học sinh.

- Về lao động, việc làm: Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 400 lao động đang làm ăn, sinh sống, đầu tư kinh doanh tại tỉnh Hủa Phăn. Nhìn chung, chính quyền tỉnh Hủa Phăn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động Thanh Hóa. Hàng năm, Thanh Hóa đều cử đoàn công tác của tỉnh sang phối hợp với Chính quyền tỉnh Hủa Phăn, Ban quản lý người Việt Nam tại tỉnh Hủa Phăn và Chi Hội các nhà đầu tư Việt Nam tại tỉnh Hủa Phăn để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và động viên để các nhà đầu tư, bà con Việt kiều yên tâm làm ăn, sinh sống.`

Tuy lĩnh vực lao động và phúc lợi giữa hai Tỉnh Thanh Hóa và Tỉnh Hủa Phăn mới bước đầu triển khai, hợp tác trên các lĩnh vực người có công, lao động - việc làm và giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả quan trọng, với tiền năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa; có diện tích tự nhiên 11.116 km2, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dân số trong độ tuổi lao động trên 2,2 triệu người. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là trên 2,07 triệu người: trong đó, lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 31,1%; trong ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 41,46%, trong ngành Dịch vụ chiếm 27,44%.

Hiện nay, Thanh Hoá có trên 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số lao động là trên 400 nghìn người, trong đó: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 112 doanh nghiệp với trên 200 nghìn lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động mỗi năm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 35 nghìn đến 40 nghìn lao động. Khu vực doanh nghiệp của tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển nhanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm khoảng trên 03 nghìn doanh nghiệp. Hằng năm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 10 nghìn người. Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, Thanh Hóa có trên 40 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường chủ yếu là: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng lên, nhất là qua đào tạo nghề, với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển. Có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó: có 09 trường được phê duyệt ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực Asean và quốc gia. Hằng năm tuyển sinh và đào tạo trên 83 nghìn người của 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng, tập trung vào các nhóm, ngành nghề như: Điện - Điện tử - Điện lạnh; Cơ khí - Hàn; Sức khỏe; Trồng trọt - Chăn nuôi; Công nghệ thông tin; Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn v.v.. với nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đa dạng; tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác.

Chất lượng lao động qua đào tạo nghề nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73%, trong đó: có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề học sinh, sinh viên ra trường có việc làm 100% như: nghề Hàn; nghề May thời trang; nghề Điện công nghiệp ...

Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm với số lượng là 1.801 người, trong đó: tiến sỹ 21 người (1,17%); thạc sỹ 372 người (20,66%); đại học 894 người (49,64%), cao đẳng 176 người (9,77%); trung cấp và trình độ khác 338 người (18,76%);

Với những tiềm năng, thuận lợi, lợi thế trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của tỉnh Thanh Hóa, sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển, hợp tác toàn diện lĩnh vực lao động và phúc lợi giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn.

Văn phòng Sở