Thanh Hóa: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, không ngừng nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo để thoát nghèo bền vững

Xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu

Giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Để triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm nghèo bền vững, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả. Các địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động của chính quyền giai đoạn 5 năm, hằng năm và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tại Thanh Hóa, định hướng giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, xác định là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG cấp tỉnh, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Đây cũng là nét đặc thù tiêu biểu của tỉnh, thể hiện sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh được Trung ương đánh giá cao và một số tỉnh bạn nghiên cứu, học tập.

Căn cứ tình hình thực tiễn từng giai đoạn, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo thường xuyên theo quy định, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch, Nghị quyết để tăng cường nguồn lực trong công tác giảm nghèo, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những kết quả quan trọng, tích cực

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện; huy động sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại, có nhiều tấm gương, điển hình thoát nghèo, tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trong cả nước về vươn lên tự thoát nghèo bền vững và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2021, Thanh Hóa đã giảm được 106.970 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 21.923 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 11,32% (từ 13,51% xuống 2,20%), bình quân giảm 2,26%/năm. Trong đó, khu vực 11 huyện miền núi giảm 44.491 hộ (từ 57.684 hộ xuống còn 13.193 hộ, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 20,09% (từ 25,79% xuống 5,70%), bình quân giảm 4,02%/năm. 7 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a giảm 26.080 hộ (từ 34.887 hộ xuống còn 8.807 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 25,64% (từ 33,90% xuống 8,26%), bình quân giảm 5,13%/năm. Khu vực các huyện đồng bằng, ven biển giảm 56.961 hộ (từ 65.102 hộ xuống còn 8.141 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 9,59% (từ 10,91% xuống 1,32%), bình quân giảm 1,92%. Khu vực thành phố, thị xã giảm 5.518 hộ (từ 6.107 hộ xuống còn 589 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,18% (từ 4,58% xuống 0,40%), bình quân giảm 0,84%.

Về hỗ trợ địa bàn nghèo, toàn tỉnh Thanh Hóa có 140 công trình được đầu tư, gồm: 55 công trình đường; 20 công trình kênh, mương; 43 công trình trường học; 04 công trình trạm y tế; 06 công trình kè chống triều cường; 02 công trình cầu; 10 công trình nhà văn hóa. Đã có huyện Như Xuân (là một trong 07 huyện nghèo của tỉnh), 35 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, 80 xã ĐBKK khu vực miền núi đã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo.

 Về hỗ trợ tạo việc làm: Thanh Hóa đã giải quyết việc làm mới cho trên 336.000 lao động, trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 50.000 lao động (có khoảng 5.000 lao động tại các huyện nghèo). Tỷ lệ lao động sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước có cuộc sống tốt hơn chiếm trên 98%, tỷ lệ gia đình thoát nghèo chiếm trên 95%, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ đi xuất khẩu lao động.

Về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân của người nghèo đến 2021 đạt khoảng 1,715 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,5 lần cuối năm 2015. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã triển khai thực hiện 1.096 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó: 897 dự án chăn nuôi, 165 dự án trồng trọt, 15 dự án thủy sản, 8 dự án lâm nghiệp và 11 dự án phát triển ngành nghề với 84.039 hộ được hỗ trợ. Kinh phí từ NSNN hỗ trợ thực hiện 294.650 triệu đồng. Hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo đã thực hiện 222 mô hình, trong đó có 210 dự án chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà… 10 dự án trồng trọt với tổng kinh phí thực hiện 102.271 triệu đồng đã tạo điều kiện cho 7.372 hộ tham gia mô hình, trong đó có: 4.430 hộ nghèo, 2.665 hộ cận nghèo, 277 hộ mới thoát nghèo; 1.942 hộ có chủ hộ là nữ; 3.400 hộ là dân tộc thiểu số; có hơn 8.000 lượt người được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tạo việc làm tăng thêm cho hơn 6.000 lượt người, các dự án giúp cho 2261 hộ thoát nghèo bền vững..

Về đào tạo kỹ năng nghề cho người nghèo: Thông qua việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã đào tạo cho khoảng 356.860 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo 51.972 người, tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm trên 80%. Qua đó, đã góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực.

Về hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng chính sách được tỉnh Thanh Hóa thực hiện đầy đủ, kịp thời, như cấp học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ bán trú, hỗ trợ gạo; cho vay học sinh, sinh viên, v.v… đã góp phần hỗ trợ con em các hộ nghèo, hộ DTTS vùng khó khăn vượt qua các rào cản của nghèo đói, đường sá xa xôi để có thể đến trường. Giai đoạn 2016-2020 có 800.978 lượt học sinh được miễn, giảm học phí, kinh phí thực hiện 181.119 triệu đồng; 105.073 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở với kinh phí hỗ trợ là 684.278 triệu đồng và 13.920 tấn gạo; 363.981 lượt trẻ học mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa, kinh phí thực hiện 371.072 triệu đồng.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020 có 2,7 triệu lượt người nghèo, người cận nghèo, người DTTS được hỗ trợ mua thẻ BHYT, trong đó có khoảng 288.000 lượt người nghèo, người DTTS được hỗ trợ điều trị nội trú từ Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, kinh phí 81.000 triệu đồng (gồm tiền ăn, tiền đi lại...), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người DTTS tham gia khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe. Năm 2020, 2021 tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ từ ngân sách địa phương mua bảo hiểm y tế cho gần 400.000 người bị ảnh hưởng khi không còn thuộc đối tượng tại vùng đặc biệt khó khăn theo QĐ 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí thực hiện trên 160 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ: đã có 7.961 hộ được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở với tổng kinh phí giải ngân khoảng 200 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Đã hỗ trợ 3.040 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của cộng đồng, người thân đã giúp đỡ hàng chục nghìn hộ nghèo xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang lại nhà ở kiên cố, tăng thêm diện tích sử dụng, v.v... Kết quả thực hiện chính sách đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp cho các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay đạt 340.723 lượt hộ, với tổng số tiền 10.770 tỷ đồng. Trong đó, hơn 73.800 hộ nghèo được vay vốn với số tiền 2.726 tỷ đồng; 77.718 hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền là 3.285 tỷ đồng, mức cho vay bình quân 42 triệu đồng/hộ. Chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo có 42.284 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền là 1.834 tỷ đồng. Hơn 990 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, với tổng kinh phí 76,673 tỷ đồng; 3.246 học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề được vay vốn, với tổng kinh phí 140,785 tỷ đồng. Hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hưởng hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Giai đoạn 2016 - 2020, đã có 505.496 người được hỗ trợ tiền điện, với tổng kinh phí 303.761 triệu đồng.

Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách giảm nghèo thường xuyên, việc triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 kịp thời, đảm bảo đúng quy định đã giúp cho nhiều huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn thay đổi diện mạo về hạ tầng, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 3.000 tỷ đồng (Trung ương phân bổ: 2.975 tỷ đồng; Vốn địa phương và Nhân dân đối ứng: 278.400 triệu đồng). Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã tập trung nguồn lực nhằm hỗ trợ PTSX, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn và xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 giúp cho hơn 70.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Năm 2022: Áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%; từ 6,77% xuống còn 4,99% (giảm 17.791 hộ; từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra giảm 1,5%); ước đến 31/12/2023 giảm 1,2% còn 3,79% (tương ứng còn 37.936 hộ). Trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 7,37%; từ 27,23% xuống 19,86%, (giảm 9.879 hộ; từ 42.052 hộ xuống 32.173 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra giảm 3%); ước đến 31/12/2023 giảm 4,5% còn 15,36%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,4%; từ 32,88% xuống 27,48%, (giảm 4.766 hộ; từ 29.590 xuống còn 24.824 hộ) vượt kế hoạch đề ra (mục tiêu đề ra giảm từ 4 - 5%); ước đến 31/12/2023 giảm 5,95% còn 21,53%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giảm 2,48%; từ 7,10% xuống còn 4,62% (giảm 228 hộ; từ 653 xuống còn 425 hộ); ước đến 31/12/2023 giảm 1,1% còn 3,52%. 100% huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, gồm 06 huyện nghèo, 03 xã bãi ngang ven biển và hải đảo.

Về nguồn vốn đầu tư phát triển: Tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư phát triển thực hiện 59 dự án tại huyện nghèo (28 dự án chuyển tiếp, 31 dự án khởi công mới), 11 dự án tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, tổng kinh phí là 1.309.507 triệu đồng; phê duyệt 07 dự án để hỗ trợ huyện Bá Thước (05 dự án), huyện Thường Xuân (02 dự án) thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, với kinh phí hỗ trợ từ Trung ương là 202.000 triệu đồng; phê duyệt đầu tư cho Trường Cao đẳng nghề Nghi sơn: 57.500 triệu đồng, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn: 41.910 triệu đồng; Trung tâm Dịch vụ - Việc làm: 29.622 triệu đồng để phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững.

 Về nguồn vốn sự nghiệp: Đã phân bổ 100% số vốn trung ương giao, với tổng kinh phí 685.135 triệu đồng (của năm 2021, 2022, 2023) để các địa phương tổ chức thực hiện. Trong đó ưu tiên hơn 50% để thực hiện các nội dung về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo…

Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được tỉnh Thanh Hóa triển khai rộng khắp, có sức lan tỏa cao và ngày càng hiệu quả. Cụ thể, có 04 tập thể và 04 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ; 126 tập thể và 170 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt là cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi), sống ở xã vùng cao Lương Sơn, huyện Thường Xuân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã nêu cao tinh thần "Tuổi cao - gương sáng", góp phần động viên, cổ vũ người nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo.

Nhiều thách thức đặt ra

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa xác định còn gặp nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp đến mục tiêu giảm nghèo, đó là:

Một là, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vẫn có tư tưởng muốn ở lại xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn để được thụ hưởng các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước.

Hai là, vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chịu khó làm ăn, chi tiêu không hợp lý, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo; tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo, để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, vẫn còn hiện tượng hộ nghèo vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích, hiệu quả chưa cao.

Ba là, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo còn thiếu, năng lực còn hạn chế, thường xuyên thay đổi nhất là ở cơ sở; công tác phối hợp ở một số huyện còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt là giai đoạn đầu Chương trình.

Bốn là, một số dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chậm hoặc chưa giải ngân vốn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, nguyên nhân là do thiếu hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền hoặc thiếu sự đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện...

Mục tiêu cốt lõi, giải pháp đồng bộ

Với tinh thần Giảm nghèo trong thời gian tới là bằng trí tuệ và cả trái tim”,  tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân hằng năm 3% trở lên; phấn đấu 30% huyện nghèo (huyện Thường Xuân, huyện Bá Thước), 30% xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung xây dựng một số giải pháp trọng tâm, có tính khoa học và sát thực tiễn.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững của UBND tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh PTSX, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Thứ ba, xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững. Tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư, tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ PTSX phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án PTSX, chú trọng các mô hình liên kết, gắn PTSX với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm.

Thứ sáu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, vận động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào quyên góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Cuối cùng là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu./.

Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội