Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh - thực trạng và giải pháp
Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với trên 3,7 triệu người; dân số trong độ tuổi lao động trên 2,2 triệu người, trong đó lao động nông thôn chiếm khoảng 78,5%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX được triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp; kéo theo tình hình cắt giảm lao động, mất việc làm gia tăng là những yếu tố tác động bất lợi đến thị trường lao động. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cùng với sự tham gia tích cực của của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ:
- Ước giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 185.000 lao động; trong đó có trên 42.300 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài trở về địa phương do đại dịch COVID-19 được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh; trên 32.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện hỗ trợ cho trên 10.000 dự án vay vốn giải quyết việc làm giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 20.000 lao động;trong đó lao động nông thôn chiếm trên 80%.
- Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm từ 6,1% xuống 5,8%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành Nông - lâm - ngư nghiệp giảm 8,8% (từ 39,9% xuống 31,1%); Công nghiệp - xây dựng tăng 6,7% (từ 34,8% lên 41,5%) và Dịch vụ tăng 2,1% (từ 25,3% lên 27,4%).
- Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 26 cơ sở so với cuối năm 2020, với 09 trường cao đẳng, trung cấp công lập được phê duyệt 16 ngành, nghề trọng điểm (01 nghề cấp độ quốc tế, 03 nghề cấp độ Asean và 15 nghề cấp độ quốc gia) giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo trên 228.000 người (gồm: cao đẳng 6.600 người; trung cấp: 20.600; sơ cấp và dưới 03 tháng: 200.800 người). Trong đó, có trên 2.400 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài trở về địa phương do đại dịch COVID-19 được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh tăng từ 70% lên 73%, trong đó: Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 25,1% lên 27,9%.
Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn đạt hiệu quả, Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như:
- UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với 116 nghề, trong đó: nhóm nghề nông - lâm - thủy sản là 39 nghề; nhóm nghề công nghiệp - xây dựng - tiểu thủ công nghiệp là 55 nghề và nhóm nghề dịch vụ là 22 nghề.
- Tỉnh đã chú trọng thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Thông qua xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia dạy nghề, đặc biệt là quan tâm đến các đối tượng chính sách, người nghèo…
- Các địa phương xác định nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, dạy nghề cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Phương pháp, hình thức dạy nghề theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc và hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương.
- Bên cạnh đó khuyến khích, huy động các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Các địa phương đã tập trung đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; như đào tạo nghề gắn với các ngành nghề truyền thống của một số địa phương: Đan cói, dệt chiếu, mây tre đan; du nhập thêm một số ngành nghề mới như làm hoa khô, làm hoa từ nguyên liệu vải, dầy da, v.v… nhằm khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ.
- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (CTMTQG giảm nghèo bền vững; CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG xây dựng nông thôn mới). Giai đoạn 2021-2023, ngân sách trung ương đầu tư trên 221 tỷ đồng cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó phân bổ vốn trực tiếp cho các trường, trung tâm trên 37 tỷ đồng để cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo. Đến nay, UBND cấp huyện đã tổ chức đặt hàng đào tạo nghề khoảng 138 lớp cho trên 4.830 lao động tham gia học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng thuộc các nhóm ngành nghề: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thế mạnh của từng địa phương và nhu cầu của người học.
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp cho hàng ngàn lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo... được chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp. Người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề được tiếp thu kiến thức và thực hành tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình sản xuất gắn với nghề đào tạo ở địa bàn nông thôn. Thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt trên 90%, góp phần giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:
- Một số địa phương, việc xác định ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm. Thu nhập từ một số nghề tiểu thủ công nghiệp chưa cao, mới chỉ ở mức độ giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Mặt khác, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh hoặc đầu ra sản phẩm không ổn định, phụ thuộc vào các đơn hàng hoặc thị hiếu người tiêu dùng ...
- Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề chưa được đầu tư đồng bộ; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp gắn kết chưa chặt chẽ trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo.
- Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự phát triển, chưa cung cấp đủ thông tin, cơ hội việc làm, học nghề đến người lao động nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
- Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động còn nhiều hạn chế, còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và tay nghề giỏi.
Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra nhiệm vụ: “Phát triển mạnh mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề theo hướng xã hội hóa, huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư để xây dựng một số cơ sở đào tạo, dạy nghề đạt chuẩn quốc tế”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%”. Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, toàn tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và mọi người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để kết nối cung - cầu lao động, làm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm, học nghề cho lao động nông thôn.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các nhóm đối tượng, như: lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, lao động di cư từ nông thôn ra thành thị; cho vốn vay giải quyết việc làm...
Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, có 01 trường cao đẳng nằm trong 70 trường của cả nước đạt tiêu chuẩn trường chất lượng cao; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nông thôn.
Thứ tư, đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho lao động nông thôn. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp sử nhiều lao động vào các cụm công nghiệp ở vùng nông thôn để sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống tạo việc làm ổn định cho lao động.
Thứ năm, thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”, xác định rõ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp cho người lao động nông thôn.
Sáu là, tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn./.
Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội