Liên kết 3 “nhà”: Hướng đi tất yếu
Baothanhhoa.vn) - Đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thông qua mối quan hệ gắn kết 3 “nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp); trong đó, Nhà nước giữ vai trò đưa ra chủ trương, định hướng chính sách, đầu tư một phần ngân sách cho hoạt động GDNN; nhà trường liên kết với doanh nghiệp (DN) để đào tạo nghề (ĐTN) theo nhu cầu xã hội; còn DN tổ chức đào tạo nhân lực cho đơn vị mình, đồng thời phối hợp với các trường nghề trong quá trình tuyển sinh, ĐTN... đang là xu hướng tất yếu của xã hội. Qua mối liên hệ gắn kết này, công tác GDNN đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Học sinh học nghề tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.
Liên kết để đổi mới
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi ra trường, Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn đã thực hiện liên kết với các DN trong xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của DN để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia giảng dạy tại trường, hướng dẫn HSSV thực tập tại DN; thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của DN;... Ở chiều ngược lại, nhiều DN cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành, sát với yêu cầu thực tiễn về công nghệ. Hiện nhà trường hợp tác với 25 DN trên cả nước để mở rộng mô hình phối hợp vừa đào tạo tại nhà trường vừa đào tạo tại DN như: Liên kết với Nhà máy May xuất khẩu Như Thanh ĐTN may thời trang, sửa chữa thiết bị may; ký kết với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tổ chức ĐTN điện dân dụng; ký kết với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất ĐTN điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, hàn,... Sau đào tạo, 100% học viên được DN bố trí việc làm với mức thu nhập từ 6,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn cũng luôn xác định ĐTN gắn với giải quyết việc làm là điều kiện không thể thiếu trong quá trình phát triển của nhà trường. Đây cũng là nhu cầu, mối quan tâm hàng đầu của học sinh, học viên (HSHV) nhà trường. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, nhà trường đã chủ động mời các DN tham gia xây dựng chương trình, cung cấp cho HSHV cơ sở thực tập và giám sát quá trình đào tạo của trường với mục đích cuối cùng là DN sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với các DN trong, ngoài tỉnh tổ chức đào tạo theo địa chỉ. Do được tăng cơ hội thực hành nên đa số người học nghề theo mô hình liên kết giữa nhà trường với DN đều có việc làm, với thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng. Hiện có một số DN tham gia đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV ngay sau khi ra trường như: Công ty Xi măng Long Sơn, Nhà máy Ô tô VEAM, Công ty CP Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty TNHH Y.S VINA, Công ty TNHH Huệ Anh, Công ty CP Xí nghiệp may Bỉm Sơn,... Được biết, thời gian qua nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 20 DN trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho HSHV sau khi tốt nghiệp.
...trong quá trình đào tạo, nhà trường đã chủ động mời các DN tham gia xây dựng chương trình, cung cấp cho HSHV cơ sở thực tập và giám sát quá trình đào tạo của trường với mục đích cuối cùng là DN sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu.
Sau đào tạo, 100% học viên được DN bố trí việc làm với mức thu nhập từ 6,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.
|
Việc giải quyết tốt đầu ra sau đào tạo chính là động lực thúc đẩy công tác tuyển sinh và đào tạo, vì vậy Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa luôn chú trọng việc hợp tác bền vững với các DN. Đối với học sinh chuẩn bị tốt nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường đã đấu mối với các DN, công ty tuyển dụng lao động để tổ chức đưa học sinh đi thực tập, tuyển dụng việc làm tại các đơn vị. Bên cạnh đó, phối kết hợp với các DN trong và ngoài tỉnh để đào tạo, xây dựng chương trình phù hợp với các vị trí việc làm mà DN sử dụng cần tuyển. Vì vậy, học sinh sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành đào tạo tại trường sẽ có cơ hội làm việc tại các DN đã có sự cam kết, hợp tác với nhà trường, như: Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi Newhope Thanh Hóa, Công ty TNHH Việt Pan - Pacific Thanh Hóa, Công ty TNHH Actro Vina Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Hồng Phát ở Khu công nghiệp Đình Hương - Tây bắc Ga; Công ty TNHH dịch vụ và chăn nuôi NEWHOPE Thanh Hóa; Công ty CP Phú Khang (TP Hưng Yên); Công ty may Tinh Lợi (TP Hải Dương),... Nhờ tăng cường liên kết trong đào tạo với các DN nên trên 95% HSSV sau khi ra trường được các đơn vị tuyển dụng.
Hướng đi tất yếu
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN; giai đoạn 2013-2022, các cơ sở GDNN và các DN trong tỉnh tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề khoảng 760 nghìn người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề HSSV ra trường có việc làm 100% như: nghề hàn, may thời trang, điện công nghiệp,... Đến nay, địa bàn tỉnh có hàng chục cơ sở đào tạo ngoài tỉnh hợp tác, liên kết với địa phương, DN để tham gia đào tạo tại cơ sở, hầu hết các cơ sở GDNN đã liên kết với DN trong đào tạo, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 66 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 31 trung tâm GDNN...
|
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tăng cường tính tự chủ, các cơ sở GDNN đã xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Một số cơ sở GDNN, đặc biệt là các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hội nghị mời các DN đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại DN, tìm hiểu yêu cầu của DN đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp; đồng thời mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Việc tham gia mô hình 3 “nhà” đã giúp nhà trường cụ thể hóa chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác ĐTN, đồng thời thỏa mãn nhu cầu đặt hàng của DN tại địa phương. Hiệu quả của mô hình gắn kết 3 “nhà” đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện số DN tham gia trực tiếp vào công tác ĐTN đạt thấp. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch nhân lực trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, lĩnh vực GDNN cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Việc tham gia mô hình 3 “nhà” đã giúp nhà trường cụ thể hóa chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác ĐTN, đồng thời thỏa mãn nhu cầu đặt hàng của DN tại địa phương.
|
Nhằm tăng cường gắn kết 3 “nhà”, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các DN tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề. Các địa phương chú trọng nâng cao năng lực của cơ sở giáo dục nghề, ưu tiên tuyển sinh, đào tạo các nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Để Chỉ thị số 24/CT-TTg trở thành đòn bẩy thúc đẩy hoạt động GDNN phát triển, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trách nhiệm phối hợp giữa DN và cơ sở GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực; quy định rõ danh mục ngành nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo. Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế cho DN tham gia sâu vào quá trình ĐTN. Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch tuyển sinh, ĐTN sát nhu cầu xã hội; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học văn hóa song song với học nghề... và sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng tinh gọn bộ máy, mở rộng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo.
Bài và ảnh: Trần Hằng