Nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

(Baothanhhoa.vn) - Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được nhận tiền hỗ trợ đúng thời điểm đã giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất, ổn định đời sống.

Đồng chí Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 cho đại diện công đoàn các doanh nghiệp.

Là 1 trong 3 hướng dẫn viên Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, anh Trần Danh Hải, chia sẻ: Hơn 12 năm gắn bó với khu di tích, tôi đã tự học hỏi, đúc kết, trau dồi thêm nhiều kiến thức lịch sử nói chung, lịch sử Lam Kinh nói riêng nhằm hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng để truyền tải được nhiều thông tin về di tích tới du khách. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, do dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên bản thân và nhiều hướng dẫn viên ở khu di tích, trong đó có cả vợ tôi phải bước vào kỳ nghỉ dài. Thời điểm chưa bùng phát dịch, vợ chồng tôi còn tranh thủ làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập bằng việc bán sách online. Song, thời gian này khách tập trung mua đồ thiết yếu, nên sách không bán được, đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Đúng thời điểm khó khăn nhất, tôi nhận được số tiền hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực đã giúp gia đình vơi bớt một phần khó khăn.

Chị Lang Thị Thoái ở thôn Trung Thành, xã Lương Sơn là công nhân làm việc tại Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ điện Tín Nghĩa đóng trên địa bàn xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân. Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, chị cùng một số công nhân khác phải tạm ngừng việc. Trung tuần tháng 8 chị được công ty trả lương ngừng việc với số tiền hơn 3,7 triệu đồng. “Số tiền nhận được tuy không nhiều nhưng đúng thời điểm nên rất quý giá đối với người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Tôi sẽ cố gắng tằn tiện chi tiêu, chỉ mong dịch bệnh sớm qua để đi làm trở lại kiếm tiền trang trải cuộc sống cho 2 mẹ con”, chị Thoái chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến ngày 23-8 đã có 6.197 đơn vị, doanh nghiệp với 273.887 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 3 đơn vị được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với 143 lao động. Đơn vị đã thực hiện việc xác nhận danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội của những đơn vị gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định. Hiện tại có 13 doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động và cho nghỉ việc không lương với 211 lao động; 9 đơn vị cho 61 lao động ngừng việc; 5 đơn vị đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc đối với 289 lao động; 4 đơn vị đề nghị trả lương để phục hồi sản xuất với 451 lao động.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Để hỗ trợ đúng, trúng, tránh việc bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định, sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng tiêu chí, đối tượng, quy trình thủ tục, mức tiền hỗ trợ và tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến vào dự thảo quyết định ban hành chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Vì vậy, những đối tượng thực sự khó khăn, đủ điều kiện sẽ sớm được thụ hưởng chính sách.

Tính đến ngày 23-8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 31 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 34 lao động ngừng việc. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 22 lao động ngừng việc với kinh phí hỗ trợ là 23 triệu đồng; 10 hướng dẫn viên du lịch, 90 viên chức hoạt động nghệ thuật với kinh phí hỗ trợ trên 370 triệu đồng. Đã có 3 doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho 670 lao động với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng và 26 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động được nhận kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền 78 triệu đồng.

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ được các địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng nguyên tắc, đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; bảo đảm công khai, minh bạch đã góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch và thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh: Mai Phương