Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,64 triệu người, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; có 102 km bờ biển, 213 km đường biên giới với nước bạn Lào; có 27 huyện, thị xã, thành phố (2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện), 559 xã, phường, thị trấn. Riêng khu vực miền núi có 11 huyện, 175 xã, thị trấn, diện tích gần 8.000 km2, dân số trên 01 triệu người, trong đó còn 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, 16 xã biên giới, trên 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động từ 15 tuổi trở lên có trên 2,36 triệu người, chiếm 64,8% dân số của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 28%. Hằng năm, số người bước vào độ tuổi lao động, cùng với số bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới là rất lớn. Cùng với các giải pháp giải quyết việc làm tại chỗ, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp rất quan trọng trong chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh.

Chính vì vậy, ngay từ năm 2003 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 26/3/2003 về công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia giai đoạn 2003 -2005 và đến năm 2010; ban hành Chỉ thị nhằm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở ngoài theo hợp đồng của tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Đề án xuất khẩu lao động và chuyên gia giai đoạn 2003-2005, định hướng đến 2010”; Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các doanh nghiệp tuyển chọn, đưa được nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập Ban Chỉ đạo Xuất khẩu lao động và chuyên gia do đồng chí Phó Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng Ban để chỉ đạo, theo dõi, thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn. Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh đã thu được kết quả đáng khích lệ.

Giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh có 42.113 lượt lao động đã đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó lao động đi Đài Loan là 9.110 người; lao động đi Nhật Bản là 14.167 người, lao động đi Hàn Quốc là 7.140 người, lao động đi làm việc ở Trung Đông là 9.715 người, số còn lại đi các nước khác). Hàng năm số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu USD tương đương 2.760 tỷ – 3.450 tỷ VNĐ. Nhiều địa phương có phong trào đi xuất khẩu lao động đã làm cho thay đổi diện mạo góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại v.v… giải quyết thêm nhiều chỗ việc làm mới. Hộ nghèo có người đi xuất khẩu lao động cơ bản đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giầu. Xuất khẩu lao động đã góp phần tích cực vào chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng của lao động Việt Nam chưa được giải quyết triệt để; nhất là ở một số thị trường có thu nhập ổn định như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan v.v… làm cho phía nước bạn tạm dừng tiếp nhận lao động ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ lao động cơ trú bất hợp pháp cao. Hiện nay, số lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê của Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến ngày 30/6/2022 là 890 người trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 02 địa phương bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn (Có 04 huyện khác đã từng bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là: Thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn). Tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng chủ yếu do các nguyên nhân như:

- Do chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí còn cao hơn) nên nhiều người lao động vì cái lợi trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

- Lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu từ vùng nông thôn ý thức chấp hành pháp luật kém, tính ích kỷ cao nên sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc nhằm có thu nhập cao.

- Việc tìm kiếm việc làm phù hợp với người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước gặp nhiều khó khăn.

- Việc sử dụng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, chủ sử dụng lao động nước ngoài trốn được nhiều khoản đóng góp, hơn nữa lao động đã có tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc nên được chủ sử dụng lao động tiếp tay bao che ở lại.

 - Việc thực thi chế tài xử phạt của nước bạn chưa hiệu quả, chưa có tính chất răn đe đối với cả chủ sử dụng lao động và người lao động không có giấy tờ hợp pháp.

- Việc thực thi chế tài xử phạt đối với lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng ở trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả do đối tượng xử phạt vẫn đang ở nước ngoài.

Tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng sẽ khiến người lao động đối mặt với các rủi ro như: Trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện; việc làm và thu nhập không đảm bảo, chế độ bảo hiểm mất đi, rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề này như:

- Ban hành 03[1] Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài về nước và lao động về nước đúng hạn.         

          - Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, phát tờ rơi, tổ chức tư vấn cho người lao động, tổ chức tọa đàm trên Đài truyền hình v.v...; thông qua các tổ chức hội đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên, đoàn viên.

          - Tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại nước ngoài không về nước ở những địa phương có đông lao động bất hợp pháp với đầy đủ các thành phần như: Lãnh đạo UBND tỉnh; thường trực huyện ủy, thành viên Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động cấp huyện, cấp xã. Qua Hội nghị, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng.

          - Cung cấp thông tin, danh sách những lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp, sắp hết hạn hợp đồng cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo thông báo tên của người lao động trên hệ thống truyền thanh cơ sở để gia đình vận động con, em về nước đúng thời hạn. Tổ chức cho thân nhân các gia đình có lao động đang cư trú bất hợp pháp và sắp hết hạn hợp đồng tại nước ngoài, ký Bản cam kết xác định trách nhiệm của gia đình người lao động trong việc vận động người thân trở về nước.

          - Chỉ đạo cơ quan công an các cấp nắm bắt tình hình về công tác xuất khẩu lao động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời những phát sinh trong công tác xuất khẩu lao động.

Để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, đề xuất với Trung ương, các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng một số nội dung như:

- Nâng cao chất lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc tuyển chọn những người lao động có nhân thân tốt, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, lợi ích cá nhân phải gắn liền với lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng.

- Xây dựng cơ chế bảo lãnh người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ký quỹ đối với người lao động, khuyến khích người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn; xử phạt nghiêm những người lao động ở lại quá hạn hợp đồng lao động.

- Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ cho lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp động.

- Cơ quan chức năng của nước bạn cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường kiểm tra, giám sát, truy quét và trục xuất lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp, đồng thời xử phạt nặng các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp./.

 


[1] Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 21/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2012 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài về nước và lao động về nước đúng hạn; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép.

 

Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐTBXH