'Gỡ' điểm nghẽn để thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Đăng ngày 28 - 06 - 2018
100%

Chiều 20/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cùng đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH, Ban kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNN đã làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Trong giai đoạn 2008-2017, Thanh Hoá đã xây dựng và ban hành 78 đề án, quy hoạch, 12 cơ chế, chính sách làm cơ sở, tiền đề định hướng cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 8.500 tỷ đồng và ngân sách tỉnh khoảng 4.100 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân đạt 2,15%/năm. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thuỷ sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp. An ninh lương thực được đảm bảo, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân dân, vừa phục vụ cho sản xuất các sản phẩm hàng hoá. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại; lâm nghiệp phát triển liên vùng, độ che phủ rừng đạt 53,03%; thuỷ sản phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Thanh Hoá đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo khối lượng hàng hoá lớn làm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu; nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh cao, chiếm được vị thế quan trọng trên thị trường.

Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm, từ 20,4% năm 2008 xuống còn 8,42% năm 2017, thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tích cực, với 42,06% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Hệ thống thiết chế văn hoá – thể thao cơ sở, hệ thống trường học, y tế được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, vẫn còn một số hạn chế, như: tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản chưa đạt mục tiêu kế hoạch; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa bền vững; chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; công tác giảm nghèo chưa thực sự vững chắc…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã được các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc quản lý hạ tầng đào tạo nghề; năng lực hoạt động của các hợp tác xã; những khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp; những “điểm nghẽn” trong việc quản lý, khai thác đất đai ở nông thôn; những vướng mắc, khó khăn trong công tác giảm nghèo theo hướng bền vững…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho biết, hiện tại, người dân khu vực nông thôn và miền núi tỉnh Thanh Hóa đã được tiếp cận với các dịch vụ, hạ tầng xã hội nhiều hơn với chất lượng cao hơn; qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, thị trường của nông sản còn bấp bênh; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; quan hệ trong sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới… khu vực nông nghiệp và nông thôn vẫn là một khu vực đặc biệt quan trọng; do vậy Trung ương cần nghiên cứu để tiếp tục có một Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai; có chính sách, cơ chế và nguồn lực cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến phát biểu tại hội nghị

Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến cho biết thêm: Thanh Hoá là một tỉnh có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp với khoảng 2,4 triệu người làm nông nghiệp và sống trong khu vực nông thôn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá luôn xác định: phát triển nông nghiệp và đầu tư cho khu vực nông thôn là góp phần ổn định xã hội, tạo tiền đề quan trọng để Thanh Hoá đạt được các mục tiêu chung. Trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, tỉnh Thanh Hoá đều có các nghị quyết về nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, tỉnh Thanh Hoá cũng xác định phát triển công nghiệp là động lực, tạo nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là mối quan hệ hài hoà.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Thanh Hoá vẫn đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là các chính sách đất đai cho nông nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: “Trung ương phải có sự đột phá về cơ chế sử dụng đất đai để tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý, khoa học để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn; đồng thời, khi ban hành các chính sách, Trung ương cần tính toán nguồn lực thực hiện để tạo thuận lợi cho các địa phương khi triển khai”.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Nghị quyết được triển khai ở Thanh Hóa với sự tập trung cao, cách làm sáng tạo và tạo ra hiệu quả rõ rệt. Nông nghiệp đã có sự chuyển biến khá toàn diện và quan trọng; từng bước chuyển sang nông nghiệp hàng hoá; cơ cấu kinh tế nông nghiệp được chuyển dịch đúng hướng. Thanh Hoá đã xác định được mũi nhọn, định hướng đúng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những điều này đã giúp khu vực miền núi và nông thôn của Thanh Hoá có những chuyển biến tích cực…”. – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị: “Thanh Hoá cần tiếp tục làm rõ những điểm nghẽn trong việc thực hiện Nghị quyết tại địa phương để đề xuất Trung ương tháo gỡ; quan tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn, xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý để huy động nguồn lực và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, quan tâm tới vấn đề sinh kế cho người dân, từng bước xây dựng thương hiệu và thị trường cho nông sản…”.

Chiều cùng ngày, nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác đã tới thăm, tặng hoa và chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên Văn phòng phóng viên thường trú Bắc miền Trung, báo Lao động và Xã hội, Báo Dân Sinh tại Thanh Hóa.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng hoa chúc mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tại văn phòng PVTT Bắc Miền Trung báo Lao động và Xã hội, Báo Dân Sinh tại Thanh Hóa

<

Tin mới nhất

Về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động...(15/04/2024 3:54 CH)

Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp chăm lo đời sống cho người dân dịp Tết Nguyên đán(22/01/2024 2:10 CH)

Những dấu ấn bảo đảm an sinh xã hội năm 2023(02/01/2024 8:51 SA)

Mở ra “cánh cửa” mới(01/01/2024 9:03 SA)

Thư chúc mừng năm mới 2024 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa(01/01/2024 8:56 SA)

Thông báo công khai Kế hoạch thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng,...(30/12/2023 5:17 SA)

Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2024:...(29/12/2023 3:31 CH)

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Lao động, Người có công và Xã hội năm 2023, triển khai...(29/12/2023 3:25 CH)

Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND...(29/12/2023 3:22 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
279 người đã bình chọn
°
837 người đang online